Dải hẹp của bầu trời: Tranh của Đan là thế, ám ảnh đến mênh mông
Văn hóa - Ngày đăng : 15:12, 29/10/2018
Từ ngày 1.11 đến 11.11.2018tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Nguyễn Ngọc Đan sẽ bàycuộc triển lãm tranh cá nhânDải hẹp củabầu trời.
Triển lãm tập hợp những tác phẩm trong suốt quá trình 7 năm làm việc của chị từ năm 2011 cho đến nay. Mỗi bức tranh sẽ như một lời tự sự của Nguyễn Ngọc Đan về những thăng trầm cuộc sống. Họa sĩ muốn kể nhiều câu chuyện cuộc đời bằng cấu trúc hình và màu sắc đặc biệt của riêng mình trên bề mặt canvas. Những gam màu sáng tối cũng đã nói lên sựchân thành của Đankhi đối diện thế giới nội tâm của chính mình bằng sức sống mãnh liệt, tình yêu và sự hết lòng đối với cuộc sống xung quanh.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan và tác phẩm.
Bắt đầu từ Series Desolation mang phong cách biểu hiện, vẽ trong 3 năm (2011 – 2014), cũng là khoảng thời gian u tối nhất của cuộc đời họa sĩ. Loạt tranh như lời tự sự của những thân phận phụ nữ cô độc và u sầu, lạc lõng trong thế giới hiện đại, phản ánh tâm trạng bức bối và cô độc của bản thân họa sĩ và của những người phụ nữ phải gồng mình chạy theo vẻ hiện đại giữa đô thị hào nhoáng.
Dải hẹp của bầu trời 8, 120 x 180cm, Nguyễn Ngọc Đan, 2018.
Với bộ tranh này cùng những gam màu tối, chúng ta có thể cảm nhận được nỗi cô đơn trong căn phòng vắng với những dấu hỏi về ngày mai (tác phẩm Waiting), là cái gánh quá lớn của quá khứ trĩu nặng trên vai (tác phẩm An old day), là những câu hỏi muôn thuở của con người, rằngta là ai, ta đang đi về đâu (tác phẩm Đường về, Go away);là nỗi sợ hãi khi nhận thức những đổi thay của thời cuộc, của thế gian (tác phẩm Up and down). Hoặc là sự thảng thốt giật mình trước khắc nghiệt của thời gian (tác phẩm Ngày xuân đang qua), là những bơ vơ, lạc lõng của kẻ đứng ngoài cuộc trước vòng xoáy của cuộc đời, luôn muốn tìm một nơi chốn để có thể ẩn nấp, giấu mình (tác phẩm The hidden place)…
Dải hẹp của bầu trời 7. Nguyễn Ngọc Đan.150 x 200 cm, 2018.
Với 12 bức tranh sơn dầu khổ lớn, loạt tranh này cũng nhằm giúp người xem thêm thấm thía với nỗi cô độc của người bị trầm cảm, góp phần mang lại nhận thức và các biện pháp trị liệu liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm lý.
Đây cũng là series từng được trưng bày tại triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Đan tổ chức tại Limanjawi Art House ở Borobudur, Indonesia hồi tháng 2.2015.
Dải hẹp của bầu trời 9, 150 x 200 cm, Nguyễn Ngọc Đan, 2018.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cho biết chị sáng tác bộ tranh trong những năm tháng khó khăn nhất khi chị bị trầm cảm, phải cố gắng hòa nhập trở lại với môi trường sống trong nước và xây dựng lại các mối quan hệ.
Một số tác phẩm trong số ấytừng được triển lãm trong dự án múa đương đại, trình diễn và trưng bày tác phẩm nghệ thuật Wintercearig Project tại TP.HCM hồi tháng 9.2017.
Nguyễn Ngọc Đan sáng tác tranh.
Series tĩnh vật Sự sống mong manhlại là bước chuyển mình lớn với cách dùng màu trong trẻo, tươi sáng nhưng rất đặc biệt trong cách nhìn. Hoa và bình thủy tinh trong suốt, đủ kiểu dáng với tạo hình hiện đại, là những sự vật lặp đi lặp lại trong bộ tranh, tuy được trau chuốt nhưng không hề lộ ra vẻ tỉa tót.Bút pháp của hoạ sĩ vẫn tung hoành, phóng khoáng xen lẫn lơi lỏng, mơ màng. Series được thực hiện trong 2 năm, 2015 - 2016, cùng thời điểm Nguyễn Ngọc Đan bắt đầu tổ chức trung tâm giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi (Dan Studio tại trung tâm quận 7, TP.HCM) và nhận được nguồn cảm hứng lớn lao khi làm việc với các học trò bé nhỏ của mình. Series này từng được triển lãm cá nhân lần 2 tại TP.HCM hồi tháng 5.2016, nhận được nhiều lời khen ngợi của giới mỹ thuật và những người yêu nghệ thuật.
Dải hẹp của bầu trời 5, 120x200 cm, Nguyễn Ngọc Đan, 2017.
Với series Sự sống mong manh, họa sĩ Đan dường như đã tìm thấy được sự bình yên và sự lắng dịu tâm hồn qua vẻ đẹp của những loài hoa, những bình thủy tinh mỏng mảnh. Những tác phẩm tĩnh vật của chị trong bộ tranh này được đánh giá mang một vẻ đẹp mong manh mà mạnh mẽ nội tại, mang tính chiêm nghiệm cuộc sống. Đan trong bộ tranh này đã có một cách sống cân bằng hơn, một cách nhìn cuộc sống bao dung hơn cùng một niềm kiêu hãnh ngấm ngầm.
Chân dung Nguyễn Ngọc Đan.
Tiếp nối phong cách tạo hình hiện đại, từ 2017 đến nay, series Dải hẹp của bầu trời gồm 12 bức tranh với biểu tượng những chiếc lồng chim được xây dựng trong những cấu trúc không gian khác nhau, bằng những hình mảng chắt lọc, bút pháp biến hóa, kết hợp cọ, bay với chất sơn chỗ dày đặc, chỗ mềm mịn, cùng những mảng màu trong veo đặc trưng. Bằng sự tinh tế, họa sĩ đã tạo nên một không gian phi thực độc đáo, gợi những suy tưởng và ẩn dụ về cuộc sống của con người, cũng là chủ đề và tư tưởng xuyên suốt của triển lãm.
Dải hẹp của bầu trời 2,100 x 120 cm, Nguyễn Ngọc Đan, 2018.
"Những chiếc lồng treo, nhưng treo là treo vào khoảng không vô định có có không không.Tuy là lồng nhưng là thứ để chia sẻ với tự do, để nhắc nhở người ta tự do sung sướng quý giá đến chừng nào, thậm chí còn là nơi ấm áp đi về vui vẻ, hơn là sự giam nhốt mà người ta thường mặc định cho chúng.Cửa sổ thì hẳn hoi như thể để nhìn mà cũng như để khi cần, khép lại, với bên trong nhiều thứ vẫn đang muốn giãi bày.Tất cả tạo nên trong thế giới tranh Đan vẻ bí ẩn siêu thực rất lạ, nhưng cũng duyên ngầm cho những ai muốn ngắm nhìn, khám phá.", họa sĩ Ngô Đồng nói về tranh của Nguyễn Ngọc Đan.
Xem tranh Nguyễn Ngọc Đan chẳng thể đứng quá gần, giống như chúng ta không thể đứng quá gần để nhìn ngắm một cái gì quá rộng.
Thông tin thêm về họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan:
Trong suốt mấy năm qua, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan còn nổi bật như một họa sĩ trẻ giàu năng lượng và không ngừng nghỉ qua các hoạt động tích cực như tổ chức, kết nối đưa các đoàn họa sĩ trẻ đi triển lãm tranh, trại sáng tác tranh ở nhiều nước như: Yogyakarta - Saigon (TP.HCM, 5/2015), Jogja - Saigon (Yogyakarta, Indonesia, 6/2015), hội chợ nghệ thuật Art Mart Khajuraho International 2016 (Madhya Pradesh, Ấn Độ, 2/2016), Đối thoại đương đại (Hà Nội, 10/2016), Doyenne (Hyderabad, Ấn Độ, 3/2017), Indonesia Vietnam 2nd Fine Art Exhibition (Breeze Art Space, Jakarta, Indonesia, 9/2017), Hội tụ Hội An (Hội An, Đà Nẵng, 10/2017), Abstract Party (Limanjawi Art House, Borobudur, Indonesia, 3/2018)…Thậm chí chị còn được giới họa sĩ trẻ gọi đùa là “thủ lĩnh” của giới họa sĩ trẻ TP.HCM.