Bộ GD-ĐT phân trần về dự thảo quy định sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:08, 30/10/2018
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: "Thực ra nội dung xử phạt sinh viên bán dâm (hoạt động mại dâm) đã có từ năm 2007, thông tư này hiện đang trong quá trình tiếp thu ý kiến theo đúng quy định. Trong thông tư cũng có nêu rõ, việc sinh viên có chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu sinh viên hoạt động mại dâm lần 1 sẽ bị khiển trách, lần 2 là cảnh cáo, lần 3 là đình chỉ có thời hạn, lần 4 là buộc thôi học."Tuy nhiên, bà Nghĩa cho rằng việc sinh viên vi phạm hoạt động mại dâm tới lần thứ 4 mới buộc thôi học thì quá nhiều, bởi chỉ cần vi phạm 1 lần thì sinh viên đó sẽ bị đuổi học ngay lập tức.
"Đây chưa phải bản cuối cùng, hiện Bộ đang tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh sao cho phù hợp. Chắc chắn là sẽ công bằng, không khắt khe với riêng sinh viên sư phạm đâu, mà sinh viên ngành nào cũng vậy, khi sinh viên đã vi phạm pháp luật là phải xử lý”, Thứ trưởng Nghĩa khẳng định.
Nhà trường sẽ buộc thôi học đối với học sinh, sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.
Khung xử lý vi phạm theo Dự thảo của Bộ GD-ĐT
Hình thức kỷ luật của học sinh, sinh viên từ cảnh cáo trở lên phải được lưu vào hồ sơ quản lý và thông báo cho gia đình. Trường hợp học sinh, sinh viên bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, nhà trường phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình biết để phối hợp quản lý, giáo dục.
Cũng như thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách vụ giáo dục chính trị và Công tác sinh viên cho biết dự thảo này không hề mới mà chỉ là bổ sung quy định đã có sẵn từ năm 2007. Việc cụ thể hóa quy định chính là để thực hiện theo chế tài, có văn bản cụ thể để xử lý. Việc xử lý này trước kia chỉ là quyết định nhưng lại là Văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện. Trước đây đã ra thông thư 10 cho khối đại học, tuy nhiên còn sót khối trung cấp, cao đẳng sư phạm hiện chưa có chế tài nên Bộ GD-ĐT quyết định bổ sung, điều chỉnh các cấp học phải theo. Việc điều chỉnh tăng hay giảm cần phải đồng bộ với sinh viên những ngành nghề khác. Không có chuyện sinh viên sư phạm bị phạt nặng hơn so với các sinh viên ngành khác.Dự thảo đang trong thời hạn lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 26.11.
Cũng ngay trong tối29.10 vào lúc 22 giờ, Bộ GD-ĐT đã gửi thông tin rút dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, trong đó có quy định sinh viên cao đẳng, trung cấp sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học. Dự thảo này bị rút khỏi website của Bộ GD-ĐT chỉ vài giờ sau khi được báo chí thông tin rộng rãi.
Dự thảo thông tư khi còn trên website của Bộ GD-ĐT
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Lao động thương binh xã hội thì tại Việt nam, hoạt động mại dâm hiện nay đang giảm về bề nổinhưng các hoạt động lại tinh vi hơn. Theo ông Nguyễn Trọng Đàm - Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội thì nên hình sự hóa hay coi mại dâm là một nghề như theo đề xuất xã hội thì điều này hoàn toàn phức tạp. Trên thế giới, không có quốc gia nào hình sự hóa hoàn toàn hay phi hình sự hóa hoàn toàn các hoạt động mại dâm mà đều có những mức điều chỉnh khác nhau.
"Nếu coi mại dâm là một nghề, liệu có xuôi? Tôi đoán chắc là không. Vấn đề này còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, phải có điều kiện làm nghề, quy định rõ làm ở đâu, quản lý vấn đề giới thiệu, quảng cáo ra sao. Nếu vẫn tiếp tục cấm các hình thức mại dâm như hiện nay, quy định chặt chẽ hơn trong việc xử lý các hành vi này, tương lai đoán trước được sẽ không có gì thay đổi so với hiện tại."
Còn ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thì cho biết cần nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này. “Theo quan điểm cá nhân, hiện nay tại Việt Nam, chưa thể phi hình sự hóa hoàn toàn, phát triển nghề mại dâm, bởi lẽ đây là vấn đề liên quan đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống, các vấn đề liên quan đến luật giáo dục nghề nghiệp, mô hình thành lập nghề nếu công nhận cũng rất phức tạp”.
Dạ Thảo