Mỹ cáo buộc 10 gián điệp Trung Quốc đánh cắp công nghệ hàng không

Quốc tế - Ngày đăng : 12:12, 31/10/2018

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30.10 công bố cáo trạng buộc tội gián điệp Trung Quốc cùng các đồng phạm âm mưu đánh cắp công nghệ hàng không của nhiều công ty Mỹ và châu Âu.

Cáo trạng cho biết một nhóm 10 người, đứng đầu là nhân viên của Cục An ninh quốc gia tỉnh Giang Tô, đã cố thâm nhập hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp có văn phòng tại thành phố Tô Châu. Đây là hai đơn vị sản xuất động cơ dùng cho máy bay thương mại.

Đây chỉ là hai trong tổng số 12 công ty hoạt động trong ngành hàng không vũ trụ, công nghệ hay cơ sở hạ tầng quan trọng bị nhắm đến. Trong danh sách ngoài công ty Mỹ, Pháp còn có cả công ty Anh và Úc. Bộ Tư pháp Mỹ chỉ công tố danh tính một công ty Mỹ là Capstone Turbines.

Bộ Tư pháp Mỹ còn xác định hai gián điệp chính trong vụ này tên Tra Vinh và Sài Mạnh. Hai người nàytrong khoảng thời gian từ tháng 1.2010- 5.2015 câu kết với nhiều tin tặc cùng người trong các công ty để thực hiện hành vi đánh cắp dữ liệu nhạy cảm “có thể được đơn vị Trung Quốc dùng trong việc chế tạo động cơ tương tự mà không tốn chi phí cho nghiên cứu, phát triển”.

Đây là vụ do thám côngnghiệp quy mô lớn liên quan đến gián điệp Trung Quốc thứ 3được Bộ Tư pháp Mỹ công bố kể từ tháng 9 đến nay.

Quý Siêu Quần, công dân Trung Quốc đến Mỹ bằng thị thực du học, bị bắt vào cuối tháng 9 với cáo buộc giúp Bắc Kinh tuyển dụng nhà khoa học cùng với kỹ sư Mỹ.

Ngày 10.10 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã bắt giữ và truy tố Hứa Ngôn Quân, nhân viên Cục An ninh quốc gia tỉnh Giang Tô, doâm mưu đánh cắp bí mật thương mại của một số công ty hàng không vũ trụ Mỹ như GE Aviation.

Cũng trong ngày 30.10, Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) cảnh báo việccác chính phủ cùng trường đại học phương Tây đang thiếu cảnh giác với nỗ lực lấy công nghệ nước ngoài để hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Báo cáo mới công bố của ASPI cho biết kể từ năm 2007 đã có hơn 2.500 nhà khoa học Trung Quốc có liên hệ với quân đội nước này ra nước ngoài làm việc. Họ công tác trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi, mang tính chiến lược như vật lý lượng tử, xử lý tín hiệu, mật mã, công nghệ định vị hay phương tiện tự hành. Giải phóng quân báo (PLA Daily) từng mô tả đây là hoạt động “hút hoa bên ngoài lấy mật cho Trung Quốc”.

Theo ASPI, các nhà khoa học trong khoảng thời gian ở nước ngoài vẫn “trung thành với nhà nước Trung Quốc”, cố gắng đạt được bí quyết công nghệ nhằm cải tiến công nghệ trong nước.

Cẩm Bình (theo SCMP, Reuters, CNA, CNN)

Cẩm Bình