Cò đất tung hoành Đà Nẵng, dùng cả chiêu làm giả văn bản lãnh đạo
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 08:14, 02/11/2018
Làm giả quyết định của Chủ tịch Đà Nẵng
Một tài khoản facebook đăng văn bản giả kèm theo lời khuyến khích các nhà đầu tư yên tâm - Ảnh chụp màn hình Facebook
Tối 2.11, Tổ Công tác Thông tin báo chí thành phố Đà Nẵng đã phải gửi gấp thông tin tới các báo trên địa bàn để thông báo về 1 trường hợp giả mạo văn bản của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ.
Theo đó, trong cùng ngày, trên các trang mạng xã hội đang đăng tải văn bản giả mạo, có số văn bản ghi trên Công văn giả này là 738/2018/UBND-XDCB, ngày 31.10.2018 cho là Chủ tịch UBND thành phố ký với tiêu đề “V/v phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”. Nơi gửi của văn bản giả này được gửi đến các cơ quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND quận Cẩm Lệ, UBND quận Ngũ Hành Sơn.
Phòng Quản lý đô thị-Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Đây chỉ là văn bản giả mạo, không phải văn bản thật”.
Quyết định giả của kẻ xấu được UBND TP.Đà Nẵng nhận định là đểtạo cơn sốt đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ
“Mục đích của việc tung tin và đăng tải văn bản này của người đăng với ý đồ tạo cơn sốt đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Hiện nay các cơ quan chức năng đang vào cuộc”, UBND TP.Đà Nẵng khẳng định và đề nghị các cơ quan báo chí thông tin sự việc để tổ chức, công dân được biết và rộng đường dư luận.
Có bóng dáng nhóm thao túng trong vụ sốt đất Hòa Liên
Có rất nhiều cách để giới cò đất đẩy giá ngoài việc làm giả quyết định như vừa nêu trên. Trước đó, vào những ngày đầu tháng 10.2018, giá đất ở khu vực Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bị thổi tạo nên cơn sốt, buôn bán tấp nập như chợ xuân.
Trong bối cảnh thị trường BĐS Đà Nẵng đang hết sức im ắng suốt nửa năm qua, “quả bom” Hòa Liên đã mộtlần nữa cho thấy sức mạnh ghê gớm của giới cò đất khi đủ sức thao túng cả thị trường trong phạm vi ngắn hạn.
Cơn sốt đất tại khu vực tái định cư Hòa Liên 5 (thôn 5, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) bắt đầu rộ lên sau khi Thanh tra TP.Đà Nẵng công bố các thông tin sai phạm của hai nhà máy thép đóng trên địa bàn là Dana Úc, Dana Ý. Từ đây thông tin thành phố Đà Nẵng sẽ tiến hành di dời hai nhà máy nói trên đã trở thành căn cớ để thổi bùng lên cơn sốt đất.
Hàng trăm sale bất động sản của các công ty bất động sản cũng như đông đảo giới cò đất lẻ, giới đầu cơ trong khu vực nhanh chóng đổ xô về Hòa Liên để tận dụng cơ hội và tranh thủ thời cơ nhằm “lướt sóng” kiếm lời.
Người ra kẻ vào không có chỗ mà đứng, giành giật nhau mua vào bán ra y như đi chợ mua mớ rau vậy. Có lô đất chỉ trong một tiếng đồng hồ thôi mà đã được sang tay nhau trực tiếp qua 5 người, người sau chồng tiền trả cọc người trước, rồi sau đó lại bán cho người sau nữa để ăn tiền chênh. Cứ vậy mà giá đất lên ầm ầm không kiểm soát được.
Một đoạn chat giao việc tạo sốt đất tại Hòa Liên được cho là của một công ty bất động sản ở Đà Nẵng
Cơn sốt đất bùng lên, giá đất tại khu tái định cư Hòa Liên 5 cũng theo đó tăng “phi mã”. Nếu trước thời điểm công bố thông tin thanh tra sai phạm hai nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý giá đất tại đây chỉ rơi vào khoảng 700-800 triệu đồng với một lô tái định cư đường 5,5m, tầm 900-1 tỉ đồng với lô tái định cư đường 7,7m (tùy vị trí) thì chỉ sau 2 ngày 6-7.10, giá đất nơi đây đã lên đến mức hơn 1,5 tỉ đồng với các lô đường 5,5 và hơn 1,7 tỉ đồng với các lô đường 7,5m. Cá biệt có những lô tăng lên đến hơn 2,1 tỉ, gần gấp 3 lần trước đó mấy ngày.
Đến hết ngày 7.10, giá đất Hòa Liên 5 bắt đầu rút xuống, lượng mua vào bán ra đã giảm hẳn. Lúc này, nhiều người lỡ ôm vào với giá quá cao đã nhanh chóng nhận ra thời điểm xuống tiền sai, vội tìm cách “ra hàng cắt lỗ”, tuy nhiên dường như điều này là rất khó khăn. Đến chiều 8.10, bóng dáng giới đầu cơ “cá mập lớn” đã hoàn toàn không còn. Khung cảnh tấp nập nhộn nhịp người ra kẻ vào như “Hội chợ Xuân” đã nhường lại không gian đìu hiu vắng vẻ cho thực tại.
Theo nhiều người thạo nghề nhận định, giới đầu tư sau khi “thắng đậm” nhờ “lướt sóng” Hòa Liên đã bắt đầu rút đi và chuyển sang “lướt sóng, đầu cơ” đất vùng dự án Golden Hills lân cận hoặc lại quay về khu Hòa Xuân, khu FPT City ở Q. Ngũ Hành Sơn và cả khu dự án Cocobay.
Ông Võ Trọng Phụng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Địa ốc 86 Land cho biết, giá đất khu tái định cư Hòa Liên 5 được đẩy lên cao, thực tế không phản ảnh đúng giá trị của nó so với mặt bằng thị trường BĐS khu vực mà thực chất là do một nhóm cò đất từ TP.HCM, Bình Dương kết hợp với một đơn vị môi giới BĐS có tên Đ.T.L chi nhánh tại Đà Nẵng làm thị trường ảo bằng những thông tin về sự di dời 2 nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý để lôi kéo sự tham gia của các sale BĐS cũng như các nhà đầu tư lẫn người dân địa phương, từ đó giá đất được đẩy lên cao.
Theo ông Phụng, cách thức tạo sốt ảo thị trường cục bộ trong phạm vi ngắn hạn như thế này không hề mới, thực tế ở thị trường địa ốc các quận huyện tại TP.HCM, giới nhà đất đã áp dụng từ lâu, tuy nhiên đây là lần đầu tiên nó được áp dụng tại thị trường Đà Nẵng.
Ông Trần Anh Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Hội môi giới BĐS Việt Nam - Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, việc tạo ra cơn sốt đất ảo cục bộ ngắn hạn tại khu tái định cư Hòa Liên 5 như vừa qua là hành vi “vô đạo đức” của nhóm “môi giới cá mập”. Bởi đi kèm với việc rất nhiều cò đất và nhà đầu tư “thắng đậm” khi biết ôm vào và rút ra đúng thời điểm thì có rất nhiều khách hàng và nhà đầu tư, trong đó có không ít là người dân địa phương tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang do thiếu thông tin nên đã “nếm quả đắng” khi mua lại đất từ những môi giới và cò đất chuyên nghiệp với giá cao ngất ngưởng ngay trước thời điểm thị trường xì “bong bóng”.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng-Ngọc Em