Vụ Ngọc Trinh và Bà Tưng vào đề thi – Mở mà không mở
Góc bình luận - Ngày đăng : 06:14, 23/10/2013
Còn ông Nguyễn Xuân Trường, phó giám đốc sở Giáo dục – đào tạo Hải Phòng, tất nhiên bênh vực cách ra đề của sở: “Đây là câu hỏi mở và cần phải bám sát thực tế. Đề thi cho học sinh được đưa ra đã bám sát chủ trương của bộ Giáo dục – đào tạo… Đây là một dạng đề mở để học sinh có những cái nhìn đa chiều”.
Trước hết, việc gắn giáo dục, gắn văn chương với đời sống là một điều đúng đắn. Ước mơ có nhiều tiền mà không phải vất vả, ước mơ được đại gia để mắt tới là những hiện tượng xã hội có thật, thậm chí là quan điểm sống của không ít người trẻ, dù họ có nói hay không nói ra. Quan điểm sống ấy đang được tranh luận nhiều trên các mạng xã hội.
Và bao lâu, khi cuộc tranh luận về quan điểm sống ấy vẫn chỉ là những cuộc tranh luận ngoài xã hội hay trên mạng xã hội, thì đó vẫn là điều bình thường. Nhưng một khi nó được đưa vào đề thi, tức là được đưa vào một thiết chế chính thức là nhà trường, thì không thể đưa vào một cách sống sượng như vậy.
Thay vì nêu ra một hiện tượng xã hội là ước mơ có nhiều tiền, ước mơ đại gia của một số người trẻ và yêu cầu thí sinh nghị luận, đề thi đã “đóng đinh” hai con người cụ thể với quan điểm sống mà nhiều người cho là “lệch chuẩn” bằng cách nêu tên họ, làm như họ là tội đồ đẻ ra quan điểm ấy, dù ai cũng biết quan điểm sống thực dụng thực ra đã hiện diện từ lâu trong xã hội ta, cũng không phải chỉ có nơi người trẻ. Và dù không nói huỵch tẹt như hai người trẻ kia, thì trong thực tế, có không ít người đang sống theo quan điểm ấy.
Với nội dung của đề thi trên, nhà trường đã đóng vai quan tòa đưa ra bản án – không chỉ cho một quan điểm sống mà cho cả hai cá nhân – thay vì là nơi thảo luận về quan điểm sống.
Điều này gợi nhớ tới thời trung cổ ở châu Âu, khi hoàng đế của đế quốc La Mã thần thánh đặt ra ngoài lề đế quốc, ngoài lề xã hội (mettre au ban de l’empire) một cá nhân hoặc một cộng đồng cư dân bị coi là đi ngược lại những chuẩn mực của đế quốc, phép tắc của nhà vua!
Mặt khác, quan điểm sống của một cá nhân là cái có thể thay đổi. Nay tôi tin thế này nhưng mai kia, khi thực tế thay đổi hoặc qua trải nghiệm mới của bản thân, tôi lại nghĩ khác, tin khác. Biết đâu năm, mười năm nữa, môi trường xã hội, môi trường văn hóa trong lành hơn (đấy là hy vọng thế), những người trẻ bị kết án trong đề thi văn hôm nay lại không thay đổi quan điểm sống của họ? Khi ấy thì hỡi ôi, họ đã bị đóng đinh, bị gắn chặt với bản án khó gỡ của nhà trường và xã hội rồi.
Cuối cùng, đọc lại đề thi, hẳn nhiều người cũng sẽ nhận ra nó chưa hẳn mở như những người ra đề muốn hiểu. Bằng cách đặt hai khái niệm “tiến bộ xã hội” và “ước mơ đại gia” (bị coi là lệch chuẩn) cạnh nhau, ai cũng ngầm hiểu những người ra đề đang muốn đối lập hai khái niệm này, như trắng và đen, tốt và xấu. Với sự ngầm hiểu về trắng – đen, tốt – xấu như vậy, liệu có thí sinh nào có tư duy độc lập, chứ không nhất thiết là ủng hộ “ước mơ đại gia” kia, lại dám biện luận, nói ngược, nói khác, không rập khuôn lên án điều mà đề thi đã ngầm lên án? Mà như vậy thì sao có thể coi đề thi trên là mở, cho học sinh có thể có cái nhìn đa chiều?
Đề thi học sinh giỏi văn lớp 12 của sở Giáo dục – đào tại Hải Phòng
“Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng : “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn : “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền” (Theo Vietnamnet). Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề : “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.
Người Đô Thị. Ảnh TL (chỉ mang tính minh họa)