7.000 lính Mỹ chốt tại biên giới Mexico để ngăn dòng người nhập cư
Quốc tế - Ngày đăng : 14:30, 04/11/2018
Hãng tin AP cho biết có hơn 7.000 binh sĩ dự kiến được triển khai đến các bang Texas, Arizona, California. Lực lượng này bao gồm quân cảnh, tiểu đoàn trực thăng, nhiều đơn vị liên lạc, y tế, chỉ huy, quan hệ công chúng cùng với công binh và nhân viên chịu trách nhiệm lập kế hoạch.
Công tác triển khai quân vẫn đang diễn ra. Tính đến ngày 2.11 có khoảng 3.500 binh sĩ đồn trú trong các căn cứ tạm ở tây nam nước Mỹ, trong đó có 2.250 tại Texas, trại Pendleton (California) có gần 1.100 lính thủy đánh bộ, chưa đến 200 ở Arizona. Khoảng 100 binh sĩ thực sự ở biên giới khi đóng tại môt bến cảng gần thành phố McAllen (Texas).
Lầu Năm Góc khẳng định quân đội không tham gia vào những hoạt động hành pháp, công việc chính của họ là hỗ trợ. Như vậy họ sẽ hỗ trợ việc di chuyển và liên lạc của nhân viên tuần tra biên giới, dựng thêm rào cản cùng với hàng rào dọc biên giới, bảo đảm an ninh cho các cơ sở tuần tra. Y tế, thực phẩm, nơi ở tạm cũng sẽ do phía quân đội cung cấp.
Phần lớn lực lượng triển khai được trang bị vũ khí. Giới chức Lầu Năm Góc cho biết họ có chuẩn bị cho kịch bản bạo lực tồi tệ nhất. Quân cảnh có thể bảo vệ cho công binh đang làm việc ở những địa điểm không có nhân viên tuần tra biên giới.
Tổng thống Trump ngày 2.11 cho biết người nhập cư bất hợp pháp ném đá sẽ bị bắt giữ nhưng các binh sĩ Mỹ sẽ không nổ súng vào họ. Phát ngôn này cho thấy dù đối đầu với dân thường không nằm trong nội dung nhiệm vụ, lực lượng quân đội sẽ không tránh khỏi tình huống này.
Tướng Terrence O’Shaughnessy, chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc (USNORTHCOM) của Mỹ đầu tuần này thừa nhận binh lính có nguy cơ đụng độ với người nhập cư, tuy nhiên ông khẳng định họ biết cách xử lý.
Một nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ đã gửi thư đến Bộ trưởng Mattis để phản đối động thái triển khai quân đội đồng thời yêu cầu được cung cấp thông tin về chi phí để thực hiện việc này. Họ cho rằng làm như vậy chỉ làm leo thang căng thẳng.
Cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel gọi hành động đưa quân đến biên giới là “chuyện điên rồ” không cần thiết. Tướng Martin Dempsey, người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cũng xem đây là một đợt triển khai gây lãng phí.
Cẩm Bình (theo AP)