Cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam thực hiện tốt Thỏa thuận Paris
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:07, 07/11/2018
Ngày 7.11 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đối tác Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCP) và Cơ quan hợp tác phát triển Đức GIZ - được sự ủy nhiệm của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn hạt nhân (BMU) của CHLB Đức đãđồng tổ chức hội thảo quốc tế Thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam - Định hướng hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biếtlà một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.Đồng thời với việc phê duyệt Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Thực hiện Thỏa thuận Paris tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Tấn, trải qua hơn 2 năm, tuy đã làm được một số việc nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch.Việt Nam không thể làm tốt việc thực hiện Thỏa thuận Paris nếu thiếu hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế.
Ông Phạm Văn Tấn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: BTC
Ngày 24.8.2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thư gửi các Đối tác phát triển thông qua Ban Thư ký Tổ chức Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCP) đề nghị hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Đề xuất này của Việt Nam đã nhận được những phản hồi tích cực. Toàn bộ 13 lĩnh vực ưu tiên để thực hiện Thỏa thuận Paris đều đã được hỗ trợ ở các mức độ khác nhau, từ các đối tác phát triển thông qua các dự án hiện tại hay dự án mới.
Trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam và 178 quốc gia đã cam kết thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris, một thỏa thuận quốc tế đầu tiên theo Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Thu Anh