Nhà máy cứu 'vỡ trận rác' ở Quảng Ngãi lại chậm tiến độ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:58, 08/11/2018
Tháng 5.2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc - chi nhánh Quảng Ngãi, đầu tư nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Kỳ với tổng nguồn vốn trên 298 tỉ đồng. Theo quyết định này, chủ đầu tư phải hoàn thành dự án vào tháng 8.2017. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã có 2 lần xin điều chỉnh tiến độ dự án.
Đến tháng 7.2018, người dân tại bãi rác Nghĩa Kỳ ngăn cản xe chở rác vào bãi rác Nghĩa Kỳ vì ô nhiễm. Điều này khiến rác thải tại TP.Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành dồnứ khắp nơi. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định mở cửa bãi rác Đồng Nà để tiếp nhận rác của TP.Quảng Ngãi.Các địa phương còn lại được yêu cầu tự xử lý đợi đến lúc nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ hoàn thành.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra "tối hậu thư" cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc - chi nhánh Quảng Ngãi. Theo đó, đến 30.9 chủ đầu tư phải hoàn thành đưa nhà máy xử lý rác vào hoạt động, nếu không UBND tỉnh sẽ rút giấy phép.
Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ chậm tiến độ khiến rác thải ở các khu dân cư chưa có chỗ xử lý
Tuy nhiên đến thời điểm này, nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ vẫn chưa đi vào hoạt động khiến rác thải của huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành dồnứ khắp nơi gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt là tại huyện Tư Nghĩa, mỗi ngày địa phương này thải ra 50 tấn rác.Lượng rác phần lớn tập trung tại thị trấn sông Vệ và thị trấn La Hà. Suốt nhiều tháng qua, tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa bàn huyện Tư Nghĩa luôn ngập rác, bốc mùi hôi thối.
Dù dự án đã trễ tiến độ hơn 15 tháng, thế nhưng ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc- Chi nhánh Quảng Ngãicho rằng nguyên nhân chậm tiến độ không phải do chủ đầu tư thiếu năng lực mà do các yếu tố khách quan.
“Địa phương bàn giao mặt bằng quá chậm, riêng việc này đã mất đến 6 tháng. Thời gian qua điều kiện thời tiết không thuận lợi, việc thi công hệ thống điện gặp vướng mắc khiến tiến độ chậm trễ”, ông Pháp nói.
Cũng theo ông Pháp, đến thời điểm này, giai đoạn 1 của dự án với công suất xử lý khoảng 100 - 120 tấn rác đã hoàn thành và đang chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, để hoàn thành toàn bộ dự án với công suất tiếp nhận 250 tấn rác thì phải đến hết tháng 12.2018. Như vậy, dự án nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ do công Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc- Chi nhánh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư lại tiếp tục chậm tiến độ thêm 3 tháng so với "tối hậu thư" của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Về nguyên nhân tiếp tục chậm trễ, ông Pháp cho rằng đây là lỗi của nhà thầu thiết bị. “Đến 30.9 phần xây dựng cơ bản đã xong, tuy nhiên đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị làm quá chậm nên chưa thể đưa nhà máy đi vào hoạt động”.
Đến thời điểm này, nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ vẫn chưa thể tiếp nhận, xử lý rác khiến rác thải tại các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành dồnứ khắp nơi. Thế nhưng, khi được hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư, ông Nguyễn Tấn Pháp chỉ cho rằng “cũng cảm thấy áy náy”.
>>Rà soát xử lý cán bộ sai phạm vụ nhà máy rác bị dân vây ở Quảng Ngãi
Rác thải tràn ngập trên QL1A qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Vào tháng 7.2018, thành phố Quảng Ngãi vỡ trận rác do bãi rác Nghĩa Kỳ chưa xong để tiếp nhận rác thải. Trước tình hình trên buộc chính quyền Quảng Ngãi phải nghĩ tới phương án chia rác ra hai huyện Bình Sơn và Đức Phổ để xử lý tạm thời tình hình.
Tuy nhiên, khi nghe thông tin này người dân ở Sa Huỳnh đã phản ứng khi cho rằng chính quyền đưa rác từ nơi khác về Nhà máy xử lý rác thải Đức Phổ sẽ gây ô nhiễm.
Việc phản ứng của người dân kéo dài căng thẳng hơn mộttháng và vẫn âm ỉ sau đó. Chính quyền đã có nhiều động thái để trấn an người dân và rốt ráo cho việc xử lý rác thải tồn đọng. Đến nay, rác thải gây ô nhiễm tràn ngập khắp các con đường ở Quảng Ngãi do chưa có nhiều nhà máy để xử lý.Còn bãi rác Đồng Nà dùng để chôn lấp tạm thời nay cũng đã gần hết sức chứa. Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ được kỳ vọng đưa vào hoạt động để xử lý ô nhiễm rác thải ở TP.Quảng Ngãi và khu vực lân cận nay vẫn chậm tiến độ.
Bài, ảnh: Quốc Anh - Thạch Châu