Báo cáo Việt Nam 2035 và bài toán của Phó thủ tướng Đam
Góc bình luận - Ngày đăng : 06:31, 28/02/2016
Bản báo cáo này có thể được xem như kim chỉ nam cho hoạt động phát triển kinh tế mà Việt Nam sẽ đi theo trong vòng 20 năm tới, cũng như những mục tiêu rõ ràng mà Việt Nam sẽ hướng tới. Theo đó, mục tiêu mà Việt Nam đặt ra trong vòng hai thập niên sắp tới sẽ là phải đạt được mức thu nhập GDP bình quân đầu người hằng năm là 7.000 USD/người (tương đương 18.000 USD tính theo sức mua). Và để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam sẽ phải tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong vòng 20 năm với mức tăng trưởng trung bình là 8% GDP/năm. Rõ ràng, đó là một kế hoạch dài hơi và đầy chông gai.
Một câu chuyện đáng chú ý được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ sau họp báo công bố bản báo cáo Việt Nam 2035, là trong quá trình thực hiện bản báo cáo, nhóm chuyên gia thực hiện đã nhận được câu hỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, rằng liệu Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trung bình 9%/năm trong vòng 20 năm tới để đất nước hóa rồng hay không. Bài toán mà Phó thủ tướng đặt ra cho nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo Việt Nam 2035 là một vấn đề đáng suy nghĩ, khi mà mục tiêu bản báo cáo đặt ra cho Việt Nam chỉ là mức tăng trưởng trung bình 8%/năm trong vòng 20 năm tới. Nói cách khác, vấn đề được đặt ra là liệu nền kinh tế Việt Nam có thể vươn xa nhất tới mức nào, và mức tăng trưởng nào là phù hợp nhất trong tương lai.
Trên thực tế, mục tiêu mà bản báo cáo Việt Nam 2035 của WB vừa công bố cũng không hẳn là quá lớn lao, nếu chúng ta xét đến sự tương quan với các nước trong khu vực. Nếu Việt Nam đạt được mục tiêu mà bản báo cáo đề ra, tức là đạt mức tăng trưởng bình quân 8% trong vòng 20 năm tới, thì kết quả đạt được cũng tương đối hữu hạn mà thôi. Cụ thể là, nếu đạt được mục tiêu đó, thì mức thu nhập GDP bình quân đầu người của người Việt Nam tới năm 2035 là khoảng 7.000 USD/người, so với mức gần 2.200 USD/người hiện nay là gấp hơn 3 lần. Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực, thì đây vẫn là một con số không phải lớn, chẳng hạn như con số này chỉ ngang bằng Hàn Quốc ở thời điểm năm 2000, hay bằng với Malaysia năm 2010.
Câu trả lời mà nhóm chuyên gia WB và chuyên gia trong nước cho câu hỏi của Phó thủ tướng vì thế cũng xác định rõ ràng một vấn đề: tốc độ tăng trưởng cao nhất mà Việt Nam có thể đạt được trung bình trong 20 năm tới chỉ là 8%/năm mà thôi. Nó có nghĩa, kể cả khi Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ và thúc đẩy tất cả các lợi thế đang sở hữu thì mốc cao nhất có thể với tới vẫn chỉ là mức mà bản báo cáo 2035 đã đặt ra. Còn nếu kịch bản diễn ra một cách tồi tệ hơn, chẳng hạn trong trường hợp Việt Nam không tiến hành cải cách kinh tế, thì mức tối đa mà chúng ta có thể đạt được cho tới năm 2035 chỉ là mức thu nhập GDP bình quân đầu người khoảng 4.500 USD/người, cao hơn gấp đôi con số 2.200 USD/người hiện nay, và đẩy Việt Nam xuống vị trí vẫn là một nước có thu nhập trung bình thấp của thế giới.
Đó là chưa kể, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng bình quân 8%/năm trong vòng 20 năm tiếp theo của Việt Nam không phải là kết quả tất yếu sẽ đạt được. Đó là mức cao nhất mà Việt Nam có thể, và giữa mục tiêu đề ra và kết quả thu được thì thường bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định. Trên thực tế, có rất ít các quốc gia trên thế giới có thể đạt được mức tăng trưởng bình quân trên 8%/năm liên tiếp trong vòng 20 năm. Các quốc gia được xem là hình mẫu thành công trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore hay Malaysia cũng chưa từng làm được điều này kể cả trong giai đoạn các quốc gia này tăng trưởng mạnh mẽ nhất để đạt được những vị trí cao trên bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Trường hợp có thể được xem là ngoại lệ duy nhất là Trung Quốc khi nước này có mức tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm trong thời kỳ từ 1990-2010. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt và gần như không thể lặp lại, nhất là đối với Việt Nam. Ngoài việc sở hữu một mô hình tăng trưởng khá hiệu quả, thì yếu tố quan trọng giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 10% trong giai đoạn 1990-2010 là một thị trường lớn và có sức tiêu thụ thuộc hàng lớn nhất thế giới. Kể cả khi nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng thì Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng cao do nước này có thể kích thích thị trường nội địa để bù đắp lại.
Việt Nam không dễ làm được điều tương tự, và vì thế khả năng có thể duy trì tốc độ bình quân 8%/năm trong liên tiếp 20 năm là bài toán hóc búa. Bản thân nền kinh tế Việt Nam vừa mới thoát khỏi khoảng thời gian khó khăn do khủng hoảng trong giai đoạn 2007-2011 khi tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn này chỉ đạt 5-6%. Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế như nguồn lực và chi phí lao động của Việt Nam cũng không thể đảm bảo một mức tăng trưởng cao và ổn định trong 20 năm. Theo thống kê, giai đoạn dân số vàng trong tuổi lao động của Việt Nam sẽ đạt đỉnh và trôi qua phần lớn trong vòng 15 năm sắp tới, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế ổn định ở Việt Nam vốn vẫn dựa nhiều vào sức lao động.
Ngoài ra, các yếu tố biến động từ nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ có ảnh hưởng lớn tới mục tiêu tăng trưởng tham vọng này của Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, theo thống kê của Công ty tư vấn McKinsey thì Việt Nam xếp hạng 37/139 quốc gia trên thế giới về mức độ kết nối toàn cầu. Điều này có nghĩa là mức ảnh hưởng của kinh tế thế giới tới kinh tế Việt Nam khá cao, khi kinh tế thế giới ổn định thì Việt Nam có khả năng tăng trưởng nhanh, và ngược lại. Theo nhận định của các chuyên gia WB, nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ nhưng lại có mức độ kết nối và hội nhập cao, vì thế sẽ chịu nhiều tác động hơn khi nền kinh tế thế giới bị trục trặc và khủng hoảng. Mà rõ ràng trong 20 năm tới không ai dám chắc kinh tế thế giới có hoàn toàn khỏe mạnh hay không.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)