Chả nhẽ ngân hàng không muốn làm du lịch?
Góc bình luận - Ngày đăng : 10:32, 21/02/2016
Khổ nỗi, loa thông báo của ngân hàng chỉ phát bằng tiếng Việt, ví dụ “xin mời khách hàng số ba không tám một (3081) đến quầy số năm”, mấy ông bà Tây nghe chả hiểu gì, lâu lâu lại nhổm dậy cầm phiếu số chìa ra hỏi nhân viên (chắc họ hỏi: đã đến lượt tôi chưa?), nhân viên VCB giải thích vài câu, xua tay; họ về chỗ, chút nữa lại ra hỏi, lại xua tay, về chỗ… Rất nhiều lần.
Tôi chứng kiến cảnh đó, ái ngại quá, ra nói với anh bảo vệ đang canh chừng, anh ạ, anh xem có ô nào trống, kêu họ vào, giải quyết cho họ trước đi, đừng để họ tội nghiệp như thế. Chàng bảo vệ xua tay: không được, em đã từng giải quyết thế, bị người ta phản đối dữ lắm.
Tôi rất ngán ngẩm. Sao lâu nay chúng ta vẫn tuyên truyền đủ những lời hay ý đẹp, nào là “Việt Nam, điểm hẹn, điểm đến thiên niên kỷ”, nào là “du lịch thân thiện cởi mở”, nào là thu hút du khách bằng tâm hồn Việt Nam, vân vân… Vậy mà, với những người bạn nước ngoài, họ vì yêu mến xứ ta mà tìm đến đây, họ muốn được chứng kiến sự cởi mở, thân thiện của con người Việt, nỡ nào ta đối xử với họ lạnh lùng, nguyên tắc, cứng nhắc, ít tình người như thế. Tôi không biết anh nhân viên bảo vệ nói vậy thì có đúng từng xảy ra chuyện phản ứng đó không, nhưng nếu thế thật thì quả là buồn.
Có những dịch vụ, khi đông người phải xếp hàng chờ đến lượt, về nguyên tắc, ai cũng vậy thôi. Ngày tôi còn bé, trong sách tập đọc có thuật lại chuyện Lênin trong hiệu cắt tóc. Chuyện rằng Lênin là lãnh tụ của nước Nga Xô viết, đến hiệu cắt tóc, ông thấy đông người, vẫn tự nguyện xếp hàng theo thứ tự. Chủ tiệm thấy vậy mời ông lên trước, ông từ chối, lấy tờ báo ra coi, tiếp tục chờ đến lượt mình. Xếp hàng cũng là nét đẹp văn hóa.
Nhưng biết nhường nhịn cho người khác, nhất là những người cần được nhường nhịn lại càng là nét đẹp văn hóa, giàu ý nghĩa tâm hồn. Một dân tộc luôn coi trọng, đề cao sự “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “thương người như thể thương thân”, hào hiệp, rộng lòng… chả nhẽ lại còn so đo với bạn bè quốc tế, không dám nhường vài phút đồng hồ, nhường chút quyền lợi cỏn con. Tôi chỉ mong lời kể của anh nhân viên bảo vệ là sai, là không có chuyện đó. Chỉ có điều, một sự thực xảy ra trước mắt tôi: dù tôi có ý định nhường thứ tự của mình cho cặp vợ chồng già ngoại quốc chờ rút tiền ấy, nhưng họ chắc đã chờ quá lâu, họ nản, họ cảm ơn tôi, và lủi thủi ra về. Họ không rút được tiền (có lẽ để tiếp tục chuyến du lịch trên đất nước này). Người chồng trước khi về vẫn OK chào anh nhân viên bảo vệ, còn người vợ lặng lẽ bước ra, khuôn mặt rất buồn. Tôi cũng rất buồn bởi tôi là người Việt chứng kiến cảnh đó.
Cứ lẩn thẩn tự hỏi, tại sao một ngân hàng đàn anh như VCB mà lại thiếu sót thế nhỉ. Có khó gì đâu, nếu muốn tránh tình trạng khó xử như anh bảo vệ kia từng gặp phải, thì tại sao không mở một ô riêng, quầy riêng cho người nước ngoài. Số khách này không nhiều so với khách nội địa, tuy nhiên lúc nào cũng có, nhất là người ta đang đến Việt Nam du lịch ngày càng nhiều. Đơn giản vậy mà không làm được hay sao? Đừng “đuổi” khách đi bằng sự vô tâm, ích kỷ, bằng lý lẽ cứng nhắc.
Muốn “móc” được tiền khỏi túi du khách ngoại, làm cho bạn bè quốc tế thêm ấn tượng tốt, thêm yêu đất nước và con người Việt Nam, vô vàn cách, chỉ có điều mỗi người chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.
Nguyễn Thông/Cổng thông tin điện tử Chính phủ-TP.HCM