Ngẫm nghĩ sau ngày Tết

Góc bình luận - Ngày đăng : 04:59, 19/02/2016

Không mấy ai có thể tưởng tượng dấu ấn ngày xuân lại là đánh nhau vỡ đầu, là cãi nhau dăm ba câu rồi rút dao xử nhau...
Bên cạnh những thông tin, số liệu vui ngày tết (tết đương nhiên là phải vui), những ngày qua, trên báo chí truyền thông bật lên hai số liệu buồn. Thứ nhất là số vụ tai nạn giao thông, người chết, người bị thương; thứ nhì là số vụ đánh nhau, những người phải vào bệnh viện cấp cứu do ẩu đả.

Cứ theo báo cáo hằng ngày, được cập nhật liên tục của các cơ quan, đơn vị chức năng thì diễn biến trong 2 lĩnh vực xã hội đó có chiều xấu đi so với những năm trước. Mặc dù chính quyền, bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan thông tin truyền thông trước Tết đã nhắc nhở tuyên truyền ráo riết, ra quân thường trực, áp dụng những biện pháp xử phạt hành chính cứng rắn… nhưng tình hình tai nạn giao thông và gây mất an ninh trật tự, mất an toàn xã hội vẫn rất đáng lo. Ngay từ đầu năm, xông đất kiểu này khiến lòng người chẳng yên chút nào.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), chỉ trong 8 ngày nghỉ tết, từ 28 tháng chạp Ất Mùi đến mùng 6 Tết Bính Thân (từ 6 - 13.2), cả nước đã xảy ra 334 vụ tai nạn giao thông, làm chết 210 người và bị thương 331 người. Riêng ngày mùng 6 Tết (13.2) đã xảy ra 50 vụ tai nạn, 28 người chết và 56 người bị thương. So với 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, số vụ và người chết có giảm chút ít, tuy nhiên vẫn phải nói là kinh hoàng.

Một số liệu khác cũng kinh hoàng chả kém, thậm chí xét dưới góc độ nhân tính còn kinh hoàng hơn. Trong 8 ngày tết (tính từ 29 tết), các bệnh viện toàn quốc đã ghi nhận hơn 5.200 người nhập viện do đánh nhau, 13 người tử vong, tăng vọt so với Tết Ất Mùi 2015. Báo cáo của Bộ Y tế thống kê chưa đầy đủ cho thấy số tử vong do đánh nhau tăng gấp 2,5 lần so với Tết năm ngoái.

Những con số nói lên điều gì? Đó là, những mối nguy xã hội tái diễn hết năm này qua năm khác, mặc cho cả bộ máy xã hội, từ các cấp chính quyền tới mỗi cá nhân, cứ phải gồng mình lên chống đỡ. Nhà nước đã bằng đủ biện pháp, tốn bao nhiêu của cải tiền bạc, chỉ mong sao kéo giảm những bi kịch này, vậy mà chúng “đến hẹn lại lên”, như vòi con bạch tuộc quái quỷ, rụng hết cái này lại mọc cái khác. Đành một nhẽ thiệt hại về con người và vật chất cực lớn, thậm chí không thể bù đắp được, ai cũng hiểu còn biết bao thiệt hại vô hình cũng cực kỳ kinh khủng. Người ta không chỉ coi cái tính mạng mình và người khác rẻ như cục đất mà còn vô hình trung phát tán tình trạng nhờn với luật pháp, xem thường mọi quy định về an toàn giao thông, về an ninh, trật tự xã hội. Vẫn biết ngày tết rượu bia vào thì tai nạn ra, có tí men trong người thì dễ sinh ẩu đả, đánh nhau, nhưng không thể lấy đó để bào chữa cho tình trang vô luật pháp, sự xuống cấp về nhân cách.
Một dân tộc xưa nay vẫn được khen là hòa hiếu, độ lượng, vị tha, vậy mà con người giờ đây lại hung hăng, hung hãn, độc ác với nhau đến thế. Không mấy ai có thể tưởng tượng dấu ấn ngày xuân lại là đánh nhau vỡ đầu, là cãi nhau dăm ba câu rồi rút dao xử nhau, là đi chùa cầu phúc cầu sự an lành rồi bị chết thảm do tai nạn giao thông bởi có người chạy ẩu trên đường về. Tết nhất, mùa xuân năm nào cũng như vậy thì u ám quá.
Thực trạng ấy còn đặt ra sự hồ nghi về tính hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Tại sao biết trước tất cả, đủ cách phòng ngừa, ngăn chặn, vậy mà cái xấu cái ác chẳng những không được kéo giảm mà còn có chiều hướng tăng? Không lẽ bó tay, bỏ mặc cho chúng hoành hành. Tất nhiên là không, nhưng phải tìm cách khác, thực sự hiệu quả.
Con số không vui ấy cũng tự nó nói lên rằng con người Việt mình ngày nay "có vấn đề". Đánh nhau, chém nhau cả vào ngày tết, ngày vui đầu năm, với vô vàn lý do vớ vẩn, chả cần bình luận gì thêm, cũng đủ thấy rằng đáng báo động lắm rồi.
Đọc những con số, không khỏi rùng mình. Chỉ thầm ao ước, mong mỏi những năm sau có nhiều con số vui hơn, và giảm dần, đẩy lùi, xóa bỏ những con số thảm buồn. Mong thôi, chứ biết làm thế nào?
Nguyễn Thông