Thời kỳ hoàng kim của Victoria's Secret Fashion Show đã qua

Văn hóa - Ngày đăng : 13:07, 10/11/2018

Cùng với sự ra đi của hai “đại thiên thần” Adriana Lima và Alessandra Ambrosio, Victoria’s Secret Fashion Show chính thức khép lại thời kỳ hoàng kim kéo dài gần 2 thập niên của mình. Hãng đồ lót này buộc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về chiến lược quảng cáo trong bối cảnh quan điểm về vẻ đẹp đã thay đổi rất nhiều kể từ cuối thập niên 1990.

Thành lập vào năm 1977, Victoria’s Secret hiện là hãng đồ lót dành cho phụ nữ lớn nhất nước Mỹ. Góp phần không nhỏ vào thành công đó chính là chiến dịch quảng cáo cực kỳ hiệu quả mang tên Victoria’s Secret Fashion Show (VSFS).

Stephanie Seymour trong VSFS1995

Được tổ chức lần đầu vào năm 1995 tại khách sạn Plaza ở thành phố New York, VSFS ban đầu là một chương trình giới thiệu sản phẩm thường niên do siêu mẫu Stephanie Seymour làm người đại diện. Sau đó, Victoria’s Secret thay đổi chiến lược và chi hàng triệu USD cho khâu quảng cáo trên truyền hình. Kết quả, hàng triệu người dùng Internet đã truy cập vào website Broadcast.com để theo dõi VSFS 1999 và VSFS 2000.

Gisele Bundchen mở màn VSFS 2000

Giai đoạn này cũng là lúc Victoria’s Secret giới thiệu những người mẫu chủ chốt và đặt cho họ danh hiệu “thiên thần” như một cách gọi khác của việc “ký hợp đồng độc quyền”. Trong đó, Tyra Banks, Heidi Klum, Gisele Bundchen và Adriana Lima là đáng chú ý nhất.

Năm 2001, VSFS đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi được đài ABC mua bản quyền phát sóng. Gần 13 triệu người đã theo dõi VSFS 2001 trên màn ảnh nhỏ và nó ngay lập tức trở thành tâm điểm của giới truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Lần đầu tiên, những bộ đồ lót không còn là chủ đề nhạy cảm dành riêng cho phái đẹp nữa mà còn thu hút sự chú ý của cánh mày râu, đặc biệt là khi họ nhìn vào thân hình gần như hoàn hảo của các người mẫu.

VSFS 2001

Nhằm gây thêm ấn tượng mạnh với công chúng, Victoria’s Secret cho ra đời những bộ đồ lót được làm bằng kim cương, đá quý và vàng ròng với cái tên Fantasy Bra. Mỗi năm, hãng sẽ chọn ra một “thiên thần” để diện Fantasy Bra và siêu mẫu đầu tiên có được vinh dự này chính là Claudia Schiffer vào năm 1996. Fantasy Bra khi ấy có tên Million Dollar Miracle Bra và trị giá 1 triệu USD. Mặc dù vậy, nó chẳng là gì so với Red Hot Fantasy Bra/Panties trị giá gần 15 triệu USD do Gisele Bundchen diện vào năm 2000.

Chiếc Fantasy Bra đắt nhất từ trước đến nay

Thập niên 1990 bùng nổ những người mẫu có thân hình gầy gò và ốm yếu. Nó đã trở thành một chuẩn mực trong làng thời trang. Tuy nhiên, Victoria’s Secret - một hãng đồ lót - đã phá vỡ chuẩn mực này bằng cách thuê những người mẫu khoẻ khoắn sải bước trên sàn diễn của mình.

Alessandra Ambrosio trên sàn diễn VSFS 2005

Tyra Banks cho biết điều cô thích nhất ở Victoria’s Secret chính là “họ không bao giờ kêu tôi giảm cân mà chỉ khuyến khích tập thể dục”.

Khi khán giả là phụ nữ xem VSFS, họ không nhìn thấy những bóng ma mỏng manh mà thay vào đó là các người mẫu sở hữu thân hình rắn chắc đầy cơ bắp. Đó là thành quả từ việc tập luyện thường xuyên và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thậm chí, Victoria’s Secret còn chèn các đoạn clip vào VSFS cho thấy những “thiên thần” đã vất vả như thế nào để có được thân hình mong muốn.

Các "thiên thần" nhận ngôi sao trên đại lộ danh vọng Hollywood vào năm 2007

Giai đoạn 2005-2008 đánh dấu sự ra đời của những “thiên thần” mới được Victoria’s Secret lựa chọn kĩ lưỡng như Karolina Kurkova, Alessandra Ambrosio, Selita Ebanks, Izabel Goulart, Miranda Kerr, Marisa Miller và Doutzen Kroes. Họ đa dạng về màu da, quốc tịch nhưng có một điểm chung là đẹp chết người.

Khi ở đỉnh cao của sự nổi tiếng vào năm 2007, “thiên thần Victoria’s Secret” đã được trao ngôi sao trên đại lộ danh vọng Hollywood. Ngoài ra, hầu hết những người có mặt trong danh sách thường niên “10 siêu mẫu kiếm tiền nhiều nhất thế giới” của tạp chí Forbes kể từ năm 2005 đều là “thiên thần” hoặc “cựu thiên thần” của Victoria’s Secret. Chính vì thế, danh hiệu này được biết bao người mẫu thèm muốn do nó đại diện cho nhan sắc và vinh quang.

Sau khi Gisele Bundchen, Tyra Banks, Karolina Kurkova và Heidi Klum rời khỏi, Victoria’s Secret tiếp tục thu nạp thêm nhiều cái tên mới qua từng năm như Erin Heatherton, Lindsay Ellingson, Lily Aldridge, Candice Swanepoel, Behati Prinsloo, Chanel Iman và Karlie Kloss. Tuy không thật sự cá tính và xuất sắc như dàn “thiên thần” trước nhưng những người mẫu này là một nguồn lực bổ sung cần thiết khi các gương mặt cũ đang dần khan hiếm.

Candice Swanepoel với chiếc Fantasy Bra trị giá 10 triệu USD trong VSFS 2013

Đáng tiếc, Victoria’s Secret sau đó vẫn phải chia tay với những “thiên thần” cũ vì nhiều lý do như tuổi tác hoặc bất đồng trong điều khoản ký kết. Khủng hoảng nhân lực lên đến đỉnh điểm vào năm 2014 khi Alessandra Ambrosio và Adriana Lima là hai cái tên quen thuộc duy nhất còn sót lại.

Ed Razek – giám đốc marketing của hãng – đã đưa ra một quyết định táo bạo. Ông ký hợp đồng với 10 người mẫu trong năm 2015 và trao cho họ danh hiệu “thiên thần”. Hành động này của Ed Razek đã vấp phải sự phản đối từ những người hâm mộ. Họ cho rằng các “thiên thần” mới này sở hữu vẻ đẹp khá giống nhau và không thể sánh ngang với những cái tên như Gisele Bundchen, Doutzen Kroes, Miranda Kerrr hay thậm chí là Candice Swanepoel.

Những "thiên thần" mới của Victoria's Secret bị chê "kém sắc"

Hệ quả là sự quan tâm của công chúng dành cho các “thiên thần” giảm mạnh. Và đây cũng là lúc lượng khán giả theo dõi tuột dốc không phanh.

Từ năm 2014 sang 2015, rating của VSFS giảm từ 9,3 triệu người xuống 6,5 triệu người. Cứ tưởng đã chạm đáy nhưng nó vẫn tiếp tục giảm. Năm ngoái, con số này dừng ở mức 4,98 triệu người – thấp nhất trong lịch sử - bất chấp có sự tham gia biểu diễn của Harry Styles và Miguel.

Kendall Jenner tại VSFS 2016 ở Paris

Thất bại của VSFS cũng kéo theo doanh thu của Victoria’s Secret sụt giảm, từ 7,8 tỉ USD vào năm 2016 xuống 7,3 tỉ USD vào năm 2017. Tháng 8 năm nay, hãng đã đóng cửa 20 cửa hàng tại Mỹ.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc này. Đầu tiên là sự tăng trưởng nhanh chóng của những nhãn hàng đồ lót khác như Pink và Aerie.

Thứ hai, sản phẩm của Victoria’s Secret bị chê là quá đắt còn chất lượng thì tệ. Nhiều khách hàng đùa rằng chi phí thực hiện VSFS có lẽ đã được cộng dồn vào giá tiền cho nên mới cao như thế.

Thứ ba, phong trào nữ quyền phát triển khiến cho cách nhìn nhận vẻ đẹp của phụ nữ thay đổi. Họ yêu cầu Victoria’s Secret nên chọn những người mẫu có số đo đa dạng nhằm phản ánh thực tế nhưng hãng này kiên quyết giữ vững lập trường của mình. Họ còn cho rằng cách những “thiên thần” của Victoria’s Secret uốn éo trong clip quảng cáo dường như nhắm đến đàn ông chứ không phải phụ nữ - vốn là đối tượng khách hàng chính.

Elsa Hosk tại VSFS năm nay

Theo Insider, thay vì tập trung thực hiện một show thời trang, đã đến lúc Victoria’s Secret nên chuyên tâm cho việc phát triển thương hiệu. Người tiêu dùng hiện nay đã quá ngán ngẩm với “vẻ đẹp không thể nào đạt được” mà hãng này cố gắng quảng bá trong nhiều năm qua và không chấp nhận những sản phẩm không xứng đáng với giá tiền.

"I'mNoAngel" là một chiến dịchnhằm phá vỡ những quy chuẩn về vẻ đẹp do Victoria's Secret quảng bá

Victoria’s Secret có thể bắt đầu bằng việc thêm nhiều kích cỡ cho đồ lót hoặc chọn những người mẫu khác không mặc đồ size XS. Đó là những cách cơ bản nhất để giúp hãng này bẻ lái sang đúng hướng. Nếu không bắt kịp thời thế thì cho dù có là Victoria’s Secret thì cũng bị đào thải như thường.

Mai Thảo

Chí Thiện