Giật mình về một số bài học thuở nhỏ

Góc bình luận - Ngày đăng : 04:31, 12/04/2016

Tôi không có ý đổ riệt cho sách giáo khoa, cho những bài học thời giáo dục còn đầy khiếm khuyết bởi có muôn vàn lý do khiến con người rơi vào dạng phế phẩm. Nhưng trẻ em cũng như cái cây non, người nhớn uốn sao chúng sẽ thành vậy

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa có những lời tâm huyết về sự nghiệp mà ông đang là người cầm trịch. Bao nhiêu năm rồi, dư luận chứa đầy bức xúc đối với giáo dục. Dân chúng đang hy vọng giáo dục sẽ có những chuyến biến cụ thể, đổi mới mạnh mẽ để xứng đáng với từ “quốc sách” mà nó được mang. Đành rằng gánh nặng dồn trên vai bộ trưởng, đường thì còn xa nhưng muốn giáo dục được như vậy, mọi công dân đều phải chung sức góp vào.

Từ chuyện mấy kẻ trộm chó vừa bị dân làng đánh chết mà không đếm xỉa gì đến pháp luật, tôi sực liên tưởng đến việc suốt hơn nửa thế kỷ nền giáo dục của chúng ta có những khe hở, hốc tối, những gồ ghề lồi lõm trong việc giáo dục nhân cách con người. Ngoài những thành tựu đã đạt được thì cũng phải nói thật đáng lo ngại khi người ta nhồi nhét vào đầu trẻ thơ, vào học trò nít trong nhà trường cả tính hung hăng, tàn nhẫn, bất chấp tình người...

Hồi tôi còn bé, lớp 1 thì phải, có học bài thuộc lòng về con cáo đuôi bông. Con cáo thật đẹp, lông hung hung nhưng bị quy tội ăn cắp "tối đến vào làng/bắt gà bắt vịt", nó bị xử tử "dân làng đã biết/rình tóm được ngay/đòn gánh cành cây/phang cho kỳ chết/thế là đáng kiếp/con cáo biếng lười". Còn khi mơ làm chú hải quân thì say với hình ảnh "cây súng chú chắc tay/quân thù mà ló mặt/biển lớn sẽ vùi thây". Được đi chợ xuân thì hoa cũng chả thích, tranh cũng không thèm, chỉ thích khẩu súng "yêu súng hơn bé chỉ lắc đầu/a, mẹ ơi cái súng xinh xinh"... Đại loại những bài như thế rất nhiều, nó cứ ngấm dần vào đầu óc, tạo nên thứ tính nết dữ dằn, coi trời bằng vung, thậm chí bất lương.

Cũng có thể kể thêm những bài về con vật, sâu bọ, côn trùng. Quan điểm đấu tranh giai cấp, chống bóc lột ăn sâu vào cả những bài học lớp 1, lớp 2. Bây giờ chúng ta coi phim hoạt hình của Walt Disney thì thấy con sâu, con chuột, con cú... đều đáng yêu. Nhà làm phim tạo dựng, hình thành trong óc trẻ thơ niềm yêu mến loài vật, thương xót chúng, chứ những bài học ngày xưa của ta thì kinh lắm. Con cóc tía mắng con cánh cam "anh chê ta bẩn hả/ta bắt sâu bắt bọ/cho rau tốt rau xanh.../còn anh chẳng làm gì/từ mờ sương đến tối/anh rong chơi mê mải/phá nát búp cây xanh", rồi cóc tía kết luận: "dù quần đẹp áo lành/anh vẫn là người xấu". Đành rằng lao động là vinh quang nhưng chả nhẽ con người ta lúc nào cũng phải “ chăm chỉ bên luống rau, bắt sâu bắt bọ”? Còn ở bài khác, "một đàn chim nhỏ/bay vào vườn nọ/làm tổng vệ sinh/chuyền đi các cành/nghiêng đầu nhòm ngó/lùng bắt sâu bọ", giá chỉ như vậy sẽ đáng yêu biết bao, nhưng để rồi có cái kết quả theo kiểu đấu tranh giai cấp "chanh bưởi mận mơ/sạch loài ăn bám"... Nếu như biết rằng, trong quy luật cân bằng sinh thái, chả con gì là hoàn toàn có hại cả, có lẽ tác giả không gán ghép thô thiển vậy. Nhìn chung, trẻ thơ bị lôi vào cuộc quá sớm cuộc đấu tranh "ai thắng ai" của người nhớn.

Mấy anh em tôi đều thuộc thế hệ học những bài “gối đầu giường” như vậy, nhưng ông anh tôi cười bảo chúng mình hung hăng dữ dằn có mức độ thế này cũng may là nhờ có cái phanh hãm của giáo dục gia đình, chứ nếu không thì chả biết sẽ đi đến đâu. Và tôi nghĩ rằng, thời ấy, không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình có cái nền tảng may như vậy.

Tôi lần giở lại cuốn sách thời xưa cũ, Quốc văn giáo khoa thư. Công bằng mà nói, trong đó cũng có những bài nói về sự hung hăng, dữ dằn, côn đồ, nhưng các tác giả nêu ra là để chê chứ không khen. Chê để trẻ biết mà tránh, tìm đường khác đi cho tốt hơn, đẹp hơn trong cuộc nhân sinh.

Tôi không có ý đổ riệt cho sách giáo khoa, cho những bài học thời giáo dục còn đầy khiếm khuyết bởi có muôn vàn lý do khiến con người rơi vào dạng phế phẩm. Nhưng trẻ em cũng như cái cây non, người nhớn uốn sao chúng sẽ thành vậy. Cụ Hồ chả từng dạy rằng “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa đêm, Nhật ký trong tù). Chỉ mong sao, những nhà làm giáo dục quan tâm đến điều này trong chiến lược dài hơi tạo dựng con người.

Nguyễn Thông