Mỹ dùng cách thức mới ngăn Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ
Quốc tế - Ngày đăng : 17:51, 13/11/2018
Bước đi mở đầu cho chiến lược mới chính là động thái ban hành lệnh cấm bán sản phẩm cho công ty vi mạch Kim Hoa (tỉnh Phúc Kiến) với lý do đơn vị này âm mưu lấy bí mật thương mại của Micron - nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất nước Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh cấm vào ngày 29.10. Ba ngày sau, đến lượt Bộ Tư pháp Mỹ ra cáo trạng buộc tội công ty Kim Hoa cùng với một đối tác Đài Loan, cung cấp bằng chứng cho cáo buộc mà Bộ Thương mại đưa ra.
Không những vậy, Bộ Tư pháp còn đệ đơn kiện dân sự riêng biệt nhằm ngăn Kim Hoa và đối tác Đài Loan xuất khẩu công nghệ đánh cắp được.
Theo các nguồn tin, Washington hy vọng dùng cách xử lý tương tự cho nhiều trường hợp khác nhằm ngăn Trung Quốc tiếp tục đánh cắp sở hữu trí tuệ. Giới chức nước này hy vọng động thái xử lý công ty Kim Hoa sẽ khuyến khích nhiều công ty Mỹ hợp tác.
The Wall Street Journal đánh giá biện pháp này mở ra mặt trận mới trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tiến hành ba vòng đánh thuế hàng hóa của nhau.
Thay đổi cách tiếp cận cũng giúp chính quyền Trump nhận được nhiều ủng hộ hơn từ cộng đồng doanh nghiệp vốn chỉ trích chính sách thuế, cho rằng làm vậy không thể bảo vệ được bí mật thương mại mà chỉ khiến đất nước thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Các nguồn thạo tin của The Wall Street Journal cho rằng biện pháp mới chỉ phát huy tác dụng trong một số trường hợp nhất định, đòi hỏi nhiều nguồn lực và phải có sự phối hợp liên ngành.
Hợp tác từ doanh nghiệp cũng là yêu cầu phải có. Micron đã phối hợp trong vụ xử lý Kim Hoa, nhưng không chắc các doanh nghiệp khác chịu làm vậy, vì họ e ngại mất khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, cũng như cho rằng giới chức năng không giúp ích nhiều.
Một số quan chức cùng nghị sĩ Mỹ đã tỏ ý sử dụng đến một lệnh hành pháp cho phép Bộ Tài chính nước này trừng phạt những thực thể tham gia vào hoạt động gián điệp mạng nhắm vào doanh nghiệp. Phía Bộ Tài chính cũng tuyên bố sẽ không do dự sử dụng quyền hạn của mình khi thích hợp.
Một rủi ro cho cách tiếp cận mới của chính quyền Washington chính là bản thân Tổng thống Trump. Ông từng đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu cho ZTE mà Bộ Thương mại đưa ra, sau khi tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc chấp nhận thực hiện một số yêu cầu.
Cẩm Bình (theo The Wall Street Journal)