Bộ, ngành nào di dời phải trả lại đất cho Nhà nước
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:45, 13/11/2018
Văn bản của UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện Nghị định167/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017của Chính phủ quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Cấm giữ lại trụ sở cũ khi đã di dời
Theo đó, UBND TP yêu cầu các đơn vị rà soát tình hình quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản công thuộc phạm vi quản lý (gồm đất, nhà, trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô và tài sản công khác) để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, định mức quy định của Nhà nước và Thành phố.
Đồng thời, các đơn vị cần kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các tài sản công không có nhu cầu sử dụng, tài sản không cần dùng, tài sản chờ thanh lý, tài sản sử dụng không hiệu quả hoặc sử dụng không đúng quy định. Nộp ngay toàn bộ số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản công không đúng quy định vào Ngân sách nhà nước.
Cập nhật chính xác, đầy đủ, kịp thời hiện trạng và di biến động về quản lý, sử dụng tài sản công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác về số liệu tài sản công của đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị được đầu tư xây dựng trụ sở mới, khi hoàn thành việc xây dựng và chuyển ra trụ sở mới, có trách nhiệm bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho Sở Xây dựng để phối hợp Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định phương án xử lý. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc cũ để sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối với các cơ sở nhà, đất trên địa bàn Hà Nội, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát để sử dụng nhà, đất đúng tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại phát hiện qua sắp xếp. Rà soát, tổng hợp, báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất đang được giao quản lý, sử dụng và kết quả thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt.
Phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng khi thực hiện cổ phần hóa phải bảo đảm phù hợp với pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương; phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp và phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.
Về xử lý nhà, đất phải di dời theo quy hoạch hoặc do ô nhiễm môi trường giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện...
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát các điều kiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản, tham mưu, báo cáo UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án của các doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật.
Không được tự ý điều chỉnh quy hoạch
Theo một báo cáo của TP Hà Nội vào tháng 7.2017, các cơ sở đã được bố trí quỹ đất mới gồm bộ, ngành (9 cơ sở), bệnh viện tuyến trung ương (8 bệnh viện), giáo dục (1 cơ sở) đều chưa bàn giao lại quỹ đất cũ cho thành phố.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Phạm Sỹ Liêm -nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết việc di chuyển trụ sở các bộ, ngành, nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô hiệnlàm không theo một chương trình, kế hoạch nào, tức là có chủ trương nhưng không có chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện một cách có hệ thống.
“UBND TP cấp cho anh đất mới nhưng đất cũ phải trả lại cho thành phố, chứ không phải được tự quyền định đoạt. Đất đai là của toàn dân, anh chỉ có quyền sử dụng. Giờ đây anh không sử dụng nữa thì phải trả lại cho Nhà nước chứ không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch”, ông Liêm nói.
Trả lời cho câu hỏi đất trả lại cho Thành phố được dùng làm gì,ông Liêm nói Thành phố cần xem xét cả khu vực chứ không riêng gì một miếng đấtvà quy hoạch từ đường sá, cây xanh đếnnhà ở, trường học… cho hợp lý. Trung tâm thương mại cũng là nhu cầu cần thiết nhưng phải hợp lý, tránh quá tải.
“Chúng ta cần xây dựng môi trường minh bạch trong phát triển đô thị. Phát triển theo quy hoạch đã có luật, có quy hoạch nhưng không ai chịu thực hiện mà cứ móc ngoặc với nhau, không làm theo luật. Tôi đề nghị xã hội, HĐND TP vào cuộc giám sát chứ không thể nói chung chung được”, ôngnói thêm.
Giữa năm 2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008,hiệu lực từ 1.1.2018, trong đó có quy định đơn vị đã được bố trí trụ sở mới thì buộc phải trả lại trụ sở cũ.
Cụ thể, tại điều 41 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có bổ sung quy định trụ sở làm việc sẽ bị thu hồi nếu không sử dụng liên tục quá 12 tháng; được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế bên cạnh việc sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn; chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn... Và các cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại tài sản cho Nhà nước.
Lam Thanh