Hai cái chân, một quy trình và sự vô cảm hệ thống

Góc bình luận - Ngày đăng : 13:17, 04/04/2016

Hãy tưởng tượng bạn là cô bé học sinh 15 tuổi, xinh đẹp, tương lai đang mở ra trước mặt, vậy mà một ngày, vì một vết thương không quá nặng, bạn bị cắt cụt mất chân phải chỉ vì sự yếu kém và vô trách nhiệm của bác sĩ điều trị, thử hỏi bạn sẽ cảm thấy thế nào? Hẳn đó sẽ là một nỗi đau cả đời, dù sau đó bạn có được đền bù như thế nào đi nữa.

Đó là trường hợp của cô bé Lê Thị Hà Vi, học lớp 10 ở Cư Kuin (Đắk Lắk) sau khi gặp tai nạn giao thông, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện. Do sự tắc trách và kém chuyên môn của những người có trách nhiệm ở bệnh viện này, bệnh nhân được bó bột chân phải quá chặt, dù kêu la đau đớn cũng không được ngó ngàng tới, không cho chuyển viện, mãi đến khi gia đình nhất quyết chuyển em đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thì đã phải cắt bỏ chân vì bị hoại tử. Đó là trường hợp mất chân. Trường hợp kia là của bà Trần Thị Là, 46 tuổi, ở Hòa Vang, Đà Nẵng, vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng do bị gãy xương chân, được xếp lịch chờ 9 ngày sau mới được mổ và sau khi mổ thì không phải mất chân mà mất mạng do “thuyên tắc phổi”, “sốc phản vệ”.

Trong thời gian 9 ngày bệnh nhân chờ mổ cái xương chân bị gãy đó, không rõ bác sĩ, y tá có thăm khám kỹ hàng ngày để biết tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có diễn biến xấu gì không để tính toán thay đổi lịch mổ thay vì cứ máy móc, hờ hững theo lịch. Trường hợp tử vong của bà Là được cả Ban giám đốc bệnh viện và Sở Y tế Đà Nẵng cho là đáng tiếc nhưng lại biện minh là đã làm “đúng quy trình”. Trường hợp cháu Hà Vi, tuy bác sĩ điều trị và lãnh đạo bệnh viện có thừa nhận yếu kém của mình và không tự bào chữa là “làm đúng quy trình”, nhưng nếu không vô cảm với nỗi đau đớn của người bệnh, một khi thấy mình không đủ năng lực để xử lý ca bệnh, tại sao lại không nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên?

Trong cả hai trường hợp người ta không chỉ thấy rõ sự yếu kém về chuyên môn mà cả sự tắc trách và vô cảm với nỗi đau của bệnh nhân của những y bác sĩ liên quan. Nếu họ nói “chúng tôi đã làm hết sức mình nhưng rất tiếc” thì là một lẽ, còn đổ cho quy trình thì thật khó thuyết phục, vì mọi quy trình đều do con người đặt ra và một khi quy trình không mang lại hiệu quả cao nhất, không giúp đạt mục đích cuối cùng là cứu người thì hẳn nhiên phải xem xét sửa chữa, thay đổi quy trình. Quy trình không thể trở thành chỗ ẩn núp cho sự tắc trách và vô cảm. Thực ra, có một quy trình lớn hơn, bao quát hơn cần phải xem xét, sửa chữa.

Đó là quy trình tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp bác sĩ. Nhiều người đã chỉ ra sự yếu kém chuyên môn và cả sự tắc trách, vô cảm đưa đến thiệt hại không đáng có về sinh mạng hoặc sức khỏe cho bệnh nhân là cái giá phải trả cho việc liên kết đào tạo bác sĩ chuyên tu và cử tuyển tràn lan. Khi mà hơn 40% bác sĩ ở các tỉnh miền núi được nâng cấp từ y sĩ, thậm chí là từ điều dưỡng thì những chuyện đáng buồn như thế của ngành y là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn, Thanh tra Bộ GD-ĐT mới đây đã công bố kết luận thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo của Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho thấy nhà trường có nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc đào tạo bác sĩ cử tuyển.

Qua xem xét 16 trường hợp, Thanh tra kết luận trường đã không xử lý buộc thôi học đối với các trường hợp đã hết thời gian tối đa cho phép học theo quy định. Đặc biệt có trường hợp N.V.C. (sinh năm 1965 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp) có tổng thời gian từ khi trúng tuyển đến khi được xét tốt nghiệp và cấp bằng là 27 năm (!). N.V.C. trúng tuyển ngành y đa khoa năm 1987, đến năm 1996, khi hết thời gian học tập tối đa theo quy định, C. không đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng không hiểu vì lý do gì trường đã không có quyết định buộc thôi học. Đến năm 2008, Sở Y tế Đồng Tháp lại có công văn đề nghị xem xét cho C. vào học tiếp năm thứ 6 và được hiệu trưởng nhà trường đồng ý vào học lại năm thứ 6 (năm học 2008 - 2009). Liên tục từ năm 2009 đến 2012, N.V.C. đã dự thi tốt nghiệp nhiều lần nhưng không đạt C. lại làm đơn xin được xét vớt tốt nghiệp để về công tác tại y tế tuyến cơ sở.

Năm 2013, Sở Y tế Đồng Tháp tiếp tục có công văn đề nghị nhà trường xem xét cho C. được tốt nghiệp để về phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các xã vùng sâu vùng xa biên giới. Và Trường ĐH Y dược TP.HCM đã có quyết định công nhận tốt nghiệp cho sinh viên này. Tổng cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM đã cấp bằng cho 13 trường hợp có thời gian học tập từ 10 đến 27 năm, trong đó có trường hợp N.V.C. Còn bao nhiêu trường như Trường Đại học Y dược TP.HCM? Và bao nhiêu người không đủ chuẩn chất cả về chuyên môn lẫn tâm nguyện, tâm thế sẵn sàng làm mọi thứ để cứu người đã được cấp bằng y bác sĩ? Với việc đào tạo và xét tốt nghiệp dễ dãi như vậy, làm sao tránh khỏi khả năng những bác sĩ dưới chuẩn này không gây ra cái chết hoặc thương tật oan uổng cho bệnh nhân? Làm sao để sự vô cảm một ngày nào đó không trở thành sự vô cảm mang tính hệ thống? Vì trách nhiệm với sức khỏe của người dân, ngành y tế hẳn không thể để kéo dài tình trạng như vậy.

Đoàn Khắc Xuyên / Duyên dáng Việt Nam