Câu chuyện lễ phép với dân
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:09, 04/04/2016
Tôi không biết gì nhiều về hoạt động của ông từ thời tiền khởi nghĩa và trong hai cuộc kháng chiến, tôi chỉ nhớ mãi hình ảnh ông cao lêu nghêu với đôi mắt hiền từ và nụ cười lúc nào cũng vô tư. Điều đặc biệt là mỗi một lời ông nói ra đều là lời của chính ông, không giống như sách vở, không bao giờ sáo rỗng. Tôi chưa từng gặp một nhân vật nào càng già càng mới mẻ như ông. Các cán bộ tôn giáo vận hồi đó thường cảnh giác với một số chức sắc tôn giáo - những người từng có chuyện này chuyện kia với cách mạng. Khi báo cáo tình hình hay khi họp nội bộ ở cơ quan, các anh thường gọi các chức sắc bằng những cái tên cụt lủn.
Một lần họp Chi bộ, ông Đặng bảo không được gọi một cách vô lễ như thế. Có người thanh minh rằng chỉ gọi như vậy ở cơ quan thôi, còn khi tiếp xúc thì đương nhiên phải lịch sự. Ông Đặng quát: “Không được nói năng vô lễ. Dù tại đây, tại cuộc họp Chi bộ này, cũng phải gọi một cách lễ phép như khi tiếp xúc với họ”. Những bản báo cáo về dân vận hay về Mặt trận, bao giờ cũng tự tay ông viết. Đó là những bản báo cáo sinh động và hấp dẫn như chính cuộc sống. Đối với người dân, ông kính cẩn ngay trong chữ nghĩa. Ông không bao giờ dùng từ “quần chúng”, dù trong cuộc họp hay trong báo cáo. Ông giải thích: “Quần là bầy, là đàn, chúng là đám đông. Quần chúng nghĩa là một bầy đông người. Gọi nhân dân như thế là xấc xược!”. Rất dị ứng với cụm từ “nắm quần chúng”, ông đưa bàn tay ra rồi nắm bàn tay lại và nói: “Sao lại vô lễ như vậy!”.
Thầy tôi, giáo sư Vĩnh Linh, một nhân sĩ yêu nước từng bị chính quyền Sài Gòn cũ bắt đày đi Côn Đảo, là một trí thức Công giáo “coi trời bằng vung”, sau năm 1975 vì nể phục ông Võ Văn Đặng mà giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, được bầu làm đại biểu Quốc hội, dù thời đó đất nước đang dưới chế độ tập trung quan liêu bao cấp và đang tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, không phù hợp với mong muốn của thầy. Ông Võ Văn Đặng đã qua đời nhiều năm rồi. Những người trẻ bây giờ không còn biết ông là ai. Rất mừng là thành phố Đà Nẵng đã có một con đường mang tên ông.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở cấp cao hơn chắc quá bận tâm vào những đại sự quốc gia nên không ai dạy cho đảng viên ăn ở lễ phép với dân một cách thành tâm như ông Đặng, ngoài việc nhắc nhở cán bộ đảng viên nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng cán bộ đảng viên là “công bộc”, là “đầy tớ” của dân. Nói là “công bộc”, là “đầy tớ” của dân là nói cho phải đạo, còn trong hành xử thì ngày càng không giống như vậy. Chưa nói đến tình trạng cán bộ, công chức sống xa dân, thậm chí gây khó, ức hiếp dân, chỉ nói đến cái “cơ chế xin - cho” trong phạm vi toàn quốc đang tồn tại một cách hết sức vô lễ độ. Đó là tình trạng người dân khi cần việc gì liên quan đến các cơ quan công quyền đều phải làm “Đơn xin”. Cố Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân sinh thời đã đề nghị thay các thứ “Đơn xin” bằng “Giấy yêu cầu”. Ông Mai Thúc Lân bảo cán bộ, công chức là “công bộc”, là “đầy tớ” của dân, người chủ mà phải làm “đơn xin” đầy tớ thì thật là vô lý. Tất nhiên, thay một hình thức giấy tờ thì chưa chắc đã thay được thực chất của mối quan hệ, nhưng ít ra cũng để nhắc nhở các “công bộc” hiểu về chức trách.
Những người soạn thảo Luật Doanh nghiệp đã thực hiện một cải cách căn bản theo hướng này, đó là việc thay “Giấy phép kinh doanh” bằng “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, nhưng cái hàm ý trong đạo luật quan trọng này không phải ai cũng nhận thức được. Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Cán bộ, công chức từ vai trò là những công bộc của dân trên danh nghĩa và “hành dân” trên thực tế, sẽ trở thành các nhà quản trị tuân thủ các nguyên tắc pháp trị. Theo đó, người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm, còn cán bộ công chức thì chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Khi ấy, tự khắc là cán bộ công chức sẽ lễ phép với dân mà chẳng cần phải tự xưng là “công bộc” hay “đầy tớ” một cách hình thức nữa.
Cần hiểu là trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, Nhà nước non trẻ của chúng ta chưa xác lập các nguyên tắc pháp trị, cán bộ đảng viên rất dễ lạm quyền nên việc nhắc đi nhắc lại vai trò “công bộc”, vai trò “đầy tớ” để nâng cao ý thức tự giác là điều cần thiết. Nhưng đến thời bình thì việc lạm quyền trở thành hiện hữu, nên việc giáo dục ý thức không thể thay cho thiết chế. Người thủ trưởng cũ của tôi sớm hiểu được điều đó nên ông đã vô cùng cẩn trọng. Nhưng tôi biết, ông không hề có ảo tưởng hễ thắng giặc ngoại xâm thì cái gì cũng có thể làm được. Đến cuối đời, ông vẫn đau đáu những suy tư về lý tưởng mà ông dành cả cuộc đời để phụng sự và về thực tế diễn ra không như ông mong muốn. Nhiều lúc xem người này người kia phát biểu trên truyền hình, thấy những lời nói kia không đi đôi với việc làm, ông lắc đầu tắt TV không xem nữa.
Hoàng Hải Vân / Duyên dáng Việt Nam