Gặp ‘sát tinh’ của cá ‘khủng’ thượng nguồn sông Lam
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:42, 15/11/2018
>> Dân chài Nghệ An bắt được cá chình ‘khủng’ trên sông Lam
>> Nhóm thợ săn cá phục kích một tuần bắt cá chình ‘khủng’ 17 kg
Miền tây Nghệ Anlà nơi có những con sông chảy trên địa hình đồi núi dốc và quanh co. Hằng năm. những con sông này gây ra nỗi kinh hoàng cho người dân bản xứ bởi những cơn lũ dữ từ thượng nguồn đổ về.Tuy nhiên, khi dòng chảy êm đềm thì sông lại cho con người nhiều thứ quý giá, trong đó có những loài cá là đặc sản hiếm. Có một người được mệnh danh là “sát tinh” của những concá “khủng” đó, đã nhiều năm bất bại trong các chuyến bơi thuyền đi săn cá. Người đó là anh Lê Văn Toàn, ở bản Chắn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An).
Tuổi thơ học nghề trên thuyền câu
Biết khách đến để “moi chuyện” về nghề kiếm cơm của mình nhưng anh Toàn vẫn đủng đỉnh rót nước mời chúng tôi và kể về loại trà thảo dược đặc biệt của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, coi việc mình “nổi tiếng” với nghề săn cá “khủng” là chuyện không đáng nhắc tới.
Nhấp cạn vài lượt trà, người đàn ông sinh năm 1977 có thân hình chắc nịch,nước da rám nắng và nụ cười rất hiền mới nói: “Đó chỉ là cái nghề kiếm cơm thôi chứ có gì đâu mà nổi tiếng. Làm nghề lâu thì thành thạo thôi mà!Tôi từ nhỏ ở trên sông nên hiểu được tính nết con cá cũng là chuyện bình thường”.
Có hàng nghìn lưỡi câu, nhưng cái nào cũng đượcanh Toàn chăm chút như bảo bối, không để hoen rỉ - Ảnh: Quang Cường
Chủ và khách trò chuyện vài câu vui vẻ về việc chúng tôi hỏi nhà của thợ săn cá “khủng” mà từ chợ thị trấn vào xã Thạch Giám ai cũng biết đến anh, rồi anh bắt đầu kể chuyện.
Ông nội của anh Toàn vốn là dân vạn chài ở huyện Đô Lương, nhưng sau đó theo gia đình ngược dòng sông Lam hơn 100km đến huyện Tương Dương dựng nhà, khai hoang lập nghiệp. Khi đã an cư ở xã Thạch Giám, ông nội và cha anh Toàn vẫn bám con thuyền, theo nghề chài lưới trên dòng sông Lam.
“Từ khi 6 tuổi tôi đã thường xuyên được cha cho đi theo thuyền câu cá. Thời đó cá trên sông này nhiều lắm, nhìn cha câu và thả lưới bắt được cá to trên 10kg là chuyện bình thường. Có khi cha còn bắt được con cá to bằng người tôi lúc đó”, anh Toàn kể.
Học hết lớp 7, vì kinh tế gia đình khó khăn nên anh Toàn nghỉ học, chính thức hành nghề săn cá để phụ giúp gia đình. Nhờ có kinh nghiệm cha truyền dạy, cộng với tính kiên trì và lòng đam mê với nghề săn “quái ngư”, anh Toàn đã trở thành một thợ săn cá lão luyện nhất vùng Tương Dương này.
Người thợ săn trên sông kể tiếp: “Thời gian đầu học nghề, cha dạy cho tôi cách nhìn thế sông, chỗ nào thì có loài cá gì sinh sống. Chẳng hạn như cá trắm thì phạm vi sinh sống và săn mồi rộng, cứ đi kiếm ăn khắp nơi trên sông, nhưng cá lăng, cá chình thì thường trú trong các hang đá, chúng ra kiếm ăn khoảng 1 đến 2 tiếng đồng hồ thì lại quay về hang.
Để săn được những loài cá to và hiếm này thì phải biết sở thích của chúng là mồi gì. Nhưng có một điểm chung là các loài cá trên sông đều thích ăn con mối cánh và con dế”.
Thượng nguồn sông Lam qua huyện Tương Dương là nơi có nhiều loài cá đặc sản hiếm như cá chình, cá lăng "khủng" Ảnh: Quang Cường
Ở thượng nguồn sông Lam thuộc huyện Tương Dương không phải chỉ có mỗi anh Toàn làm nghề săn cá lớn mà có rất nhiều người, nhưng về độ chuyên nghiệp và lão luyện thì chưa có ai vượt qua được tay “sát” cá 41 tuổi ở xã Thạch Giám này.
Điều này được khẳng định khi chúng tôi gặp ông Lô Phú (ở thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương) cũng là một người làm nghề đánh cá trên sông Lam. Chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về nghề săn cá “khủng”, ông Phú nói ngay: “Như tôi thì có đáng là gì, các chú qua xã Thạch Giám gặp anh Toàn là “trùm” săn cá lớn ở vùng này mà tìm hiểu. Anh ấy là người chuyên nghiệp nhất và bắt được nhiều cá lớn nhất trên vùng sông này”.
20 năm bất bại trên sông
Mỗi năm bắt được hàng chục con cá “khủng” trên 10kg, anh Toàn được coi như là một sát thủ bất bại tại khu vực sông Lam thuộc huyện Tương Dương.
“Nói tôi là sát tinh hay sát thủ gì đó thì hơi quá, nhưng thực tế thì đúng là chưa có chuyến đi mà tôi trở về tay không. Từ khi thành thạo với nghề và có thể một mình đánh bắt cho đến nay cũng chừng 20 năm, số cá to mà tôi bắt được không thể nào nhớ hết. Nhưng không phải chuyến đi nào cũng bắt được cá to, mà có chuyến đi về chỉ có vài cân cá nhỏ, trong khi các đồng nghiệp phải trắng tay trở về”, anh Toàn trầm ngâm kể.
Một con cá chình nặng hơn 10kg, là con cá to hiếm thấy trong mấy năm gần đây, do thợ câu bắt được ở thượng nguồn sông Lam và bán cho một chủ nhà hàng ở huyện Con Cuông cuối tháng 10 vừa qua - Ảnh: Quang Cường
Theo lời thợ săn cá lão luyện này, nghề săn cá “khủng” không phải đi thường xuyên mà có thời điểm mộttháng chỉ đi 3 đến 4 lần, tần suất dày hơn thì một tuần đi 2 lần. Mỗi chuyến đi đều sử dụng câu vương, là loại câu có lưỡi câu và dây cước dài mà không cần đến cần câu. Khi móc mồi vào thì thả cho chìm xuống đáy sông, đầu dây còn lại được buộc vào thuyền hoặc bụi cây ven bờ.
Loài cá “khủng” mục tiêu của anh Toàn là cá trắm, cá lăng và cá chình. “Nói là “quái ngư” cũng đúng, vì loài cá to trên sông này rất tinh ranh, nếu thả câu chỗ nước trong là chúng phát hiện miếng mồi bất thường, chúng sẽ không bao giờ cắn câu.
Có lần cách đây chừng 5 năm, mấy người thợ câu khác phát hiện ở eo sông nhiều đá ngầm có một con cá chình khoảng 10kg đi kiếm mồi. Mấy người giăng câu bủa vây liên tục hai ngày vẫn không bắt được nó đành thu câu về. Tôi biết vậy nhưng không vội ra tay mà chờ đến mấy ngày sau, có một cơn mưa về khiến nước đục thì tôi mới ra khu vực đó giăng câu. Cũng đến ngày thứ hai, sau hàng chục lần thay mồi câu mà vẫn không dụ được con cá tinh ranh đó, tôi thu câu để về thì thấy nặng ở một dây câu. Biết là con cá lớn đã dính câu, tôi ngồi trên thuyền thận trọng thu câu từ từ, nhưng con cá này rất khỏe, phải giằng co với nó gần một tiếng đồng hồ mới đưa được nó vào vợt xúc lên thuyền. Đó là con cá chình nặng hơn 10kg”.
Cá chình và cá lăng lớn trên 10kg là rất hiếm, do đó lần nào anh bắt được một con thuộc loại này đều gây xôn xao cả xã, cánh thương lái tìm đến tận nhà để mua. Cá trắm thì có nhiều con lớn đến 20kg. Anh Toàn kể có lần anh câu được con cá trắm gần 15kg, trong khi giằng nó lên thuyền thì bị nó quật mạnh kéo cả người anh cùng cái vợt ngã xuống nước. Lúc này một tay bám thuyền, một tay túm vợt có con cá ở trong, chờ cho nó giãy giụa đuối sức mới kéo nó vào bờ.
Những liếp câu góp phần tạo nên một "sát tinh" của những loài cá khủng trên thượng nguồn sông Lam - Ảnh: Quang Cường
“Bây giờ thì cá lớn ít rồi, nhưng mỗi tháng tôi cũng câu được vài con trên 5kg, chủ yếu là cá trắm, hiếm hoi lắm mới được con cá lăng hay cá chình. Cách đây một tháng tôi vẫn câu được con cá trắm gần 10kg, đưa lên bờ là có người đến mua ngay”, anh Toàn bình thàn kể.
Ở xã Thạch Giám chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái.Họ làm nhiều nghề như trồng rừng, chăn nuôi, làm rẫy… Nhưng “sát tinh” của cá “khủng” Lê Văn Toàn vẫn chỉ bám một nghề suốt 30 năm nay, đó là nghề lênh đênh trên sông nước mà ông nội và cha anh truyền lại. Cũng may là giábán của những con cá thuộc loại đặc sản hiếm mà anh bắt được khá cao, nên nghề săn cá “khủng” của anh cũng nuôi được gia đình.
Khi chia tay chúng tôi, anh Toàn vẫn cười rất hiền nói: “Lúc nào bắt được cá 'khủng'tôi sẽ chụp ảnh gửi cho các anh”.
Quang Cường