Sao nỡ để cơn khát kéo dài
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:18, 19/04/2016
Hai trận mưa hiếm hoi mỗi trận chỉ kéo dài vài chục phút đổ xuống vùng đất Tây Nguyên khô hạn 2 ngày qua dù chả thấm tháp gì nhưng được báo chí, dư luận và người dân xem như trận mưa vàng. Chúng chưa thỏa mãn được cơn khát của đất đai, con người, sinh vật nhưng tạm thời đem lại niềm hy vọng, rằng sẽ có mưa. Chỉ còn biết trông vào… trời.
Thời tiết mỗi ngày một diễn biến bất thường. Năm nay khô hạn nặng. Dường như cứ năm sau lại nặng hơn năm trước. Ngồi trong nhà, nhìn ra ngoài thấy nắng nóng kinh khủng. Con chó con gà cũng trốn vào gốc cây thè lưỡi thở. Thành phố mà còn thế này, nghĩ càng thương người và con vật vùng khô hạn.
Bạn tôi ở Tây Nguyên điện về bảo thương lắm anh ạ. Người còn có thể mua thùng nước uống dè dặt chống chọi qua cơn khát, nhưng con trâu con bò con dê con lợn... thì không biết tìm nước ở đâu. Sông suối ao hồ khô cạn hết rồi. Có người dắt con bò đi cả mấy cây số vẫn không tìm được nước cho nó uống, chưa đến nơi nó kiệt sức khuỵu xuống, mắt đờ đẫn nhìn chủ cầu cứu. Người cũng khát vẫn ráng nhịn, đành vội vào tiệm tạp hóa mua chịu chai nước lọc ra cứu bò. Có chủ trại bò than rằng đã xoay xở hết cách nhưng khô hạn kéo dài quá, cây cối chết khô, cỏ không mọc được trên đất nóng rãy, bò không còn gì ăn, không có nước uống, vừa đói vừa khát, lăn ra chết cả rồi, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Nói xong khóc hu hu. Kêu trời. Tang thương không thể tả.
Nhìn trời xanh ngăn ngắt thế kia, hiểu rằng nắng nóng còn kéo dài.
Tây Nguyên đang trong cơn khát chưa từng thấy. Một vùng đất lâu nay được đánh giá có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt về tất cả các mặt, một yết hầu của cơ thể sống nước nhà, đang thở dốc thoi thóp. Mà không chỉ Tây Nguyên, bao nhiêu vùng đất có “tiềm năng khô hạn” như Ninh Thuận, Bình Thuận cũng trong cảnh tương tự. Mà ngay cả đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa vựa nước ngọt, ngay cả những người lo xa nhất cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện thiếu nước, thì cũng đang đối mặt với hạn hán. Đồng ruộng từng một thời vàng son màu mỡ giờ nứt nẻ, khô cháy, cỗi cằn bởi không có nước. Người dân đồng bằng từng làm chơi ăn thật đang dần phát tán ly hương, ra tứ xứ kiếm kế sinh nhai. Cứ cái đà này, tương lai của Tây Nguyên, của Ninh Thuận, Binh Thuận, của miền Tây Nam Bộ đâu phải trong xanh như cái bầu trời xanh ngăn ngắt kia. Thật đáng lo ngại.
Còn chần chừ gì nữa, chính phủ nếu chưa đến mức phải ban bố ngay tình trạng khẩn cấp thảm họa thiên tai, thì cũng nên dồn mọi sức lực lúc này vào việc cứu dân, cứu vùng bị hạn. Bớt triệt để chuyện họp hành, lễ hội, nghi thức này nọ. Người dân mong Thủ tướng và các Phó thủ tướng, các bộ trưởng tỏa ngay về vùng hạn mà làm việc. Tài năng và trách nhiệm chính là lúc này chứ không phải lúc nào khác. Đừng bám phòng lạnh ở Hà Nội nữa. Dân đang từng giây từng phút chờ các vị.
Lẩn thẩn nghĩ, dù đất nước đang trăm công nghìn việc hệ trọng chứ đâu phải chỉ khô hạn nhưng để dân để nước ngày càng rơi vào khốn khó, lệ thuộc vào thiên nhiên, là điều rất đáng suy nghĩ. Nếu một chính phủ thực sự biết lo cho dân thì suốt mấy chục năm qua phải xây dựng được phương sách, kế hoạch phòng tránh hạn hán, lũ lụt, thiên tai, chứ đâu để đến mức tàn tệ như hiện nay. Cứ mãi ca bài tự sướng “Nước ta ở xứ nóng, khí hậu tốt, rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu” thì chả bao giờ làm chủ được thiên nhiên. Rồi đến hẹn lại lên, vào mùa khô thì hạn hán, con người và trâu bò đói khát, vào mùa đông thì lại cảnh trâu bò, súc vật chét rét, năm nào cũng như năm nào. Làm chủ cuộc sống, trước hết hãy làm chủ được thiên nhiên, bắt nó phục vụ cho mình, chứ không phải mãi chịu lệ thuộc vào nó.
Tôi chợt nghe vẳng bài hát xưa của nhạc sĩ Trần Long Ẩn về tình đất đỏ miền Đông, nhưng thấy ngậm ngùi, “cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ, cây lúa trổ chờ nước đổ trên nguồn”, cứ chờ mãi ông trời, biết bao giờ mới khá lên được.
Nguyễn Thông
Chú thích ảnh: Em bé dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong những ngày nắng hạn - Ảnh: Lê Đình Dũng