Mỗi ngày, tổn thất TNGT do rượu bia khoảng 250 tỷ đồng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:04, 16/11/2018
Sáng 16.11, thảo luận về dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Quốc hội, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng rượu và bia là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, còn bia thì không. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu tách riêng các quy định của pháp luật, điều chỉnh đối với 2 loại sản phẩm này.
Đại biểu này cho rằng, việc cấm bán bia trên mạng internet cũng không phù hợp với chủ trương của nhà nước là tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp 4.0 nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không phù hợp với Luật Đầu tư.
Hơn nữa, bán hàng trên internet là một trong những công cụ giúp nhà nước tiết kiệm chi phí và nguồn lực kiểm soát hoạt động bán hàng của doanh nghiệp, góp phần chống thất thu thuế. Lý do là hệ thống giao dịch điện tử, cơ quan thuế hoàn toàn kiểm soát thu thuế một cách triệt để, tiết kiệm chi phí và nguồn lực. Đây cũng là kênh bán lẻ minh bạch, rõ ràng.
Rượu, bia kéo lùi sự phát triển của đất nước?
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận và cho rằng dự án luật không phải là cấm rượu, bia mà chỉ là phòng tác hại của rượu, bia.
“Uống rượu hay uống bia đều là uống cồn vào cơ thể, mức độ độc hại cho cơ thể, tâm thần, sức khỏe...đó chính là nồng độ cồn methanol ở trong cơ thể, cho dù nguồn cung cấp là bia hay rượu. Do vậy, dù là rượu hay bia thì khi tham gia giao thông chúng ta thổi mà có cồn, công an đều phạt, không quan tâm anh uống bia hay uống rượu”, ông Tuấn nói.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằngcác chỉ số kinh tế Việt Nam nhích lên từng bậc là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhưng chỉ số tiêu thụ rượu, bia không rõ những nỗ lực đến từ đâu?Việt Nam luôn xếp hạng từ cao đến rất cao so với khu vực và thế giới. Khi mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể thì mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt lại tăng gấp đôi. Đây không phải là điều đáng tự hào.
Mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia làm tổn thất khoảng 250 tỉ đồng. Chưa kể những hậu quả nặng nề và lâu dài cho xã hội không thể đo đếm được. Việc quảng cáo bia, rượu phải bị cấm trong tất cả các chương trình trên báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh…
“Một khi người dân đã thẳng thắn thừa nhận hạn chế trong nhận thức về vấn đề trên và cần có thời gian thay đổi do thói quen, tập tục thì hẳn ai cũng hiểu vì sao nhà sản xuất kinh doanh và không ít cá nhân nhiều lần chưa chịu thay đổi tư duy cho phù hợp với xu thế của xã hội?”, ông Nhân nêu.
Theo đại biểu này, việc cung cấp cho thị trường một thức uống gây nhiều bệnh tật và lắm tác hại lại được dùng nhiều lý lẽ và mỹ từ để bảo vệ thì đó gọi là trách nhiệm hay vô cảm? Có vô can không khi bia, rượu là vòng tròn lẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, của bạo lực?
“Chúng ta bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỉ đồng mỗi năm?Nhưng đừng quên rằng, tổn thất do nó để lại lên đến 65.000 tỉ. Như thế, có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước, vậy mà không ít người lại cổ súy là văn hóa uống”, ông Nhân nhấn mạnh.
Luật "yếu" do mâu thuẫn giữa sức khoẻ người dân và lợi nhuận doanh nghiệp?
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đưa ra 3 câu hỏi: Trên thế giới có bao nhiêu nước đặt tên luật như chúng ta? Chúng ta xếp thứ 3 ở châu Á, đó là đáng lo, nhưng Nhật Bản xếp thứ 2 thì Nhật Bản có phải nước phát triển hay không, cả về kinh tế và văn hóa?
Tiếp theo là câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế, ngay khi luật được thông qua, Bộ Y tế có hạn chế việc sản xuất các loại rượu bổ không? Bởi vì rượu bổ có tác dụng nhất định, nếu không thì chúng tôi sẽmua rượu bổ về uống vậy.
Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khi ban hành chính sách, vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm. Vì thế, các đại biểu cũng thấy rất là khó, đến hai nhiệm kỳ và đến giờ này cũng vẫn khó.Bởi vì có những sự đối đầugiữa mong muốn luật bảo vệ sức khỏe con người tối đa, còncác nhà sản xuất, kinh doanh cũng muốn doanh thu và lợi nhuận.
Theokinh nghiệm quốc tế, có 3 giải pháp cơ bản. Mộtlà giảm tính sẵn có như giờ bán, tuổi bán, địa điểm bán. Hailà phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa là giảm bớt người uống, vừa tăng nguồn thu của ngân sách. Balà kiểm soát vấn đề quảng cáo.
Trả lời ĐB Dương Trung Quốc, bà Tiến cho biết, tên trong tiếng Anh dịch ra khó, ví dụ đồ uống có cồn, mà nói vậy là nhân dân không ai hiểu. Còn kiểm soát là gốc của tiếng Anh, lúc nào họ cũng dùng từ đó, nhưng ở Việt Nam là phòng, chống hết. Đây là ngôn ngữ làm sao để dễ hiểu.
Thứ hai, ởNhật Bảnhọ uống rượu, bia nhưng luật của họ rất nghiêm, họ có luật dinh dưỡng xây dựng từ năm 1926 và an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, văn hóa rượu của họ rất văn minh.
Thứ balà lo ngại khi luật này ban hành, mọi người đi mua rượu thuốc bổ:“Khi xây dựng luật này, những loại rượucó thuốc bổ đề nghị cấm, nhưng sau đó hội thảo nhiều, lắng nghe nhiều chúng tôi đã hạn chế nội dung đó. Nhưng không có nghĩa là khi luật này ban hành tất cả đều cấm rượu, bia. Trong luật này không có một từ nào là cấm uống rượu, uống bia”, bà Tiến nói.
“Có nhiều ý kiến đã gửi đến chúng tôi nói là Bộ Y tế đã mềm yếu đi trước những tác động của các doanh nghiệp, mà không giữ được tính nghiêm khắc của luật như dự thảo ban đầu. Chúng tôi cũng muốn luật đó như các nước, có những nước GDP rất cao, trong đó nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu rượu bia lớn, nhưng đã xây dựng luật này 30 năm và đang tiến hành sửa đổi lần thứ 3 để siết chặt hơn quy định. Tuy nhiên, luật này chỉ ở mứctrung bình, hơi yếu so với thế giới”, bà Tiến nói.
Lam Thanh