Khi Trung tâm quan trắc môi trường "chỉ ngồi chờ mẫu gửi lên để kiểm định"
Góc bình luận - Ngày đăng : 09:51, 03/05/2016
Ông Lê Anh Đức, giám đốc trung tâm này thừa nhận với báo chí rằng trung tâm đã ký hợp đồng quan trắc với Formosa, và tự tin nói: "Giá cả hợp đồng thế nào là chuyện của trung tâm, chúng tôi không tiết lộ". Trước hành động trục lợi quan trắc môi trường đầy chất con buôn này, ngày 27.4, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phản bác trên báo Tuổi Trẻ: "Trách nhiệm của Sở TN-MT là quản lý về mặt nhà nước trong việc quan trắc môi trường nhưng lại bị động chỉ ngồi chờ công ty lấy mẫu gửi lên kiểm định là thiếu trách nhiệm, là sai. Tôi đã có ý kiến và chỉ đạo Sở TN-MT phải lấy mẫu kiểm định độc lập thì mới khách quan. Ngoài ra, Trung tâm quan trắc kỹ thuật môi trường thuộc Sở TNMT là đơn vị nhà nước lại ký hợp đồng quan trắc với Formosa là không khách quan, khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi, cần phải xem xét lại”.
Từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng do cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Hà Tĩnh có tiếng nói rõ ràng, đúng sai với việc biến nhiệm vụ quan trắc thành hợp đồng buôn bán như cách làm của ông Lê Anh Đức. Nhận tiền lương từ đồng thuế của người dân, trong đó có những đồng thuế của ngư dân đánh bắt cá, ông Đức không biết ơn dân lại ăn nói ngạo mạn là điều dư luận khó chấp nhận.
Luyện thép và nhiệt điện thường có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất trong các loại nhà máy công nghiệp nặng. Thế nhưng, bằng việc để cho Trung tâm quan trắc môi trường thuộc sở ký hợp đồng phân tích mẫu với Formosa, sở TNMT Hà Tĩnh đã không nghiêm túc với việc giữ gìn môi trường bền vững cho hiện tại và các thế hệ sau. Nghiêm trọng hơn, họ "chỉ ngồi chờ công ty lấy mẫu gửi lên kiểm định" mà lãnh đạo tỉnh chỉ ra "là thiếu trách nhiệm, là sai”. Cũng chính vì thế mà mẫu do Formosa chuyển đến thường được "quan trắc" đạt tiêu chuẩn. Dư luận không thể tin cách làm quan trắc như thế. Không ít chuyên gia môi trường đánh giá, cơ quan quản lý nhà nước mà lại hợp đồng quan trắc như thế thì khác nào trục lợi trên việc quan trắc môi trường và phần thiệt thòi là cộng đồng cư dân xung quanh, thậm chí là cả một dải kéo dài các địa phương bị ảnh hưởng mà cho đến nay vẫn chưa có kết luận khoa học nào vì sao cá chết, nhiễm độc tới mức độ nào, nguy hại đến bao lâu?
Một dự án lớn như Formosa Hà Tĩnh sinh ra nhiều loại chất thải, trong đó cơ bản phân loại chất thải thông thường và chất thải nguy hại. Một bản đánh giá môi trường về Formosa mà tôi đọc được, có đoạn: "Công ty sử dụng nhiều nhà thầu súc rửa đường ống, nhiều nhà thầu thu gom và vận chuyển chất thải thông thường, tuy nhiên công ty không cung cấp được hồ sơ pháp lý của các nhà thầu, không có kế hoạch súc rửa đường ống dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước không nắm được thời gian súc rửa, khối lượng nước thải phát sinh, việc quản lý nhà thầu lỏng lẻo, không có nhật ký ghi lại quá trình phát sinh nước thải". Điều này có trách nhiệm không nhỏ của trung tâm của ông Đức và sở TNMT Hà Tĩnh.
Về chất thải nguy hại (CTNH), chúng tôi được biết một số nhà thầu như công ty Wei Jian để lẫn chất thải thông thường với CTNH, để CTNH ngoài trời, không có mái che có thể dẫn tới ô nhiễm khi trời mưa. Những việc này, các cơ quan liên quan của sở TNMT Hà Tĩnh hoàn toàn không hay biết hay do đã ký hợp đồng quan trắc nên bỏ qua?
Một điều dễ nhận thấy với Formosa là các hệ thống xử lý nước thải chưa được lắp đồng hồ đo điện riêng biệt, đã có nhật ký vận hành nhưng không có tiếng Việt, và chuyển lên văn phòng chứ không lưu tại trạm xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt đang lưu giữ mà chưa chuyển giao cho cơ quan chức năng... Những việc này, cơ quan tài nguyên môi trường Hà Tĩnh đáng ra phải đảm bảo kiểm tra nhằm chắc chắn Formosa đã thực hiện, nhưng phải chăng do hợp đồng quan trắc đã ký kết nên bị lơ là theo cách mà Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã nêu, rằng "chỉ ngồi chờ công ty lấy mẫu gửi lên kiểm định".
Bằng cách chỉ ngồi chờ Formosa lấy mẫu gửi lên để kiểm định, hợp đồng quan trắc với đối tượng phải giám sát, người ta không thể không nghĩ hành động đó chẳng khác nào hành động trục lợi trên môi trường, bất chấp môi trường bị phá hoại. Vì thế mà hành động tắm biển của giám đốc sở TNMT Hà Tĩnh, Võ Tá Định ở bãi biển không có cá chết rồi hớn hở khuyên người dân yên tâm xuống tắm tỏ ra ít có tác dụng. Chừng nào Hà Tĩnh vẫn còn để cho trung tâm của ông Đức ngồi một chỗ quan trắc mẫu của Formosa gửi lên thì dư luận xã hội vẫn không hết hoài nghi, và không thể tin có thể hoàn toàn yên tâm khi tắm biển như thế.
Không thể lấy nhiệm vụ quan trắc môi trường độc lập, có trách nhiệm để trục lợi. Cần dẹp ngay cách làm quan trắc bằng phương pháp "chỉ ngồi chờ công ty lấy mẫu gửi lên kiểm định", theo hợp đồng, bởi đó không phải cách bảo vệ môi trường có trách nhiệm.
Cu Làng Cát
Ảnh: Quan trắc môi trường bằng cách ngồi một chỗ chờ kiểm định dẫn đến biển chết, ngư dân không còn đường kiếm sống