Thảm họa cá chết và đồng nghiệp
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:19, 11/05/2016
Tôi có hai người đồng nghiệp đáng kính, cũng là những người anh ở Quảng Bình đã sát cánh cùng tôi trong nỗ lực tận cùng đưa hiện trường đáy biển đến với người dân cả nước: nhà báo Hoàng Nam (Tiền Phong), Phan Phương (Dân Việt). Họ giúp đỡ tôi mọi thứ không vụ lợi, phía sau họ là những người vợ cũng làm nghề báo sát cánh với chúng tôi, bên cạnh những người vợ đó là nhiều cánh tay bạn bè, đồng nghiệp âm thầm động viên chúng tôi. Và dĩ nhiên là bạn đọc rồi anh em cùng nghề ở cả nước.
Thực tâm, ngay khi thảm họa cá chết diễn ra đợt thứ hai, ba anh em chúng tôi đã muốn lặn xuống đáy biển gần bờ để đưa tin về vùng đáy nơi này. Nhưng thật không may, ở cái xứ hẻo lánh này, kiếm ra một cái máy ghi hình chống nước quả thật khó khăn. Khi lời kể của ngư dân về cảnh hoang tàn khó tưởng dưới đáy biển kia được thông tin thì các nhà báo cũng chỉ mới đưa tin ở trên bờ.
Đợt cá chết lần thứ 3 tràn vào xã Nhân Trạch, anh em chúng tôi như lửa đốt, quyết phải làm một cái gì đó. Đã tính bỏ tiền túi mua máy móc, nhưng may mắn bạn Tuấn Toyota và bạn Hoàng Anh làm doanh nghiệp xuất hiện, trao cho chúng tôi 2 máy quay GoPro 4. Mặc dù nó không phải máy quay tốt nhất nhưng trong điều kiện hẻo lánh, đó cũng là thiết bị đáng dùng để đưa tin.
Tôi cám ơn nhà báo Hoàng Nam đầy bản lĩnh nghề để đưa lên Tiền Phong thông tin chân thực nhất, nhà báo Phan Phương cũng bám đưa tin cho Dân Việt mỗi ngày. Ba anh em chúng tôi đã có thông tin về biển một cách xác thực nhất, dù muộn nhưng không để ai phi tang cảnh hệ sinh thái biển chỉ còn sót lại vài cá thể sống cô đơn.
Đấy là thông tin mà nhiều người cần biết nhưng nhiều người cũng không muốn nó xuất hiện. Và chúng tôi đã làm hết sức để nó đến nơi cần đến, làm hết lực trong mong muốn của ngư dân. Ba anh em chúng tôi và một ít những ngư dân đầu tiên lặn xuống biển phản ánh vấn đề, sau đó một số báo đã cử phóng viên cùng ngư dân lặn biển để chứng thực điều gì còn lại của một hệ sinh thái đa dạng và phong phú.
Những ngày này nếu bạn ở giữa vùng thảm họa, bạn có các mối quan hệ chằng chịt ở quê nhà, ở bất cứ đâu của vùng đất này, bát cơm bưng lên thật khó nuốt cho dù bạn là một nhà báo có tay nghề dày dặn. Bởi nơi đó là máu thịt thuốc thang đang chát đắng đau thương thảm họa cá chết, bởi thế mà chúng tôi phải đưa tin lặn biển ba ngày liên tiếp. Chúng tôi chọn cách một nhóm anh em và các thợ lặn tình nguyện có thể bị ảnh hưởng sức khỏe để tìm kiếm thông tin nhằm cho nhiều người biết và không gặp hiểm nguy sức khỏe sau này.
Nhưng khi chúng tôi làm việc đó, có đồng nghiệp ngồi ở bờ cười hô hố và bình phẩm kỳ quặc, họ cười lên cả nỗi đau của ngư dân và họ lạc quan biển còn sống tốt. Trong những cuộc nhậu, họ luôn cười chê những hình ảnh dưới đáy biển, đánh giá đó là bi kịch hóa, đau thương hóa chứ biển có chết như vậy đâu. Đồng nghiệp như thế còn biến mình thành thợ săn những câu chữ, khái niệm được hiểu khác đi nhằm để ghi công trước người khác. Việc đó biến họ thành “lộng lẫy” trong chính họ, giúp gia đình nhỏ bé của họ an toàn nhưng tương lai không ai đảm bảo hậu thế giống nòi có bền vững hay không? Hãy nhớ rằng, cán bộ và người dân quê hương cay đắng việc cá chết và lời của đồng nghiệp như thế họ chỉ nghe mà không ghi, chỉ biết mà không cần, bên trong họ vẫn bức bối đợi một câu minh bạch.
Tôi có những người bạn, đồng nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn... rất tốt, họ sẵn sàng làm việc để người dân có thông tin. Một đàn anh sẵn sàng bỏ tiền túi bay ra chỉ để đưa một vài cái tin chính xác với câu nói: "Tao là người Hà Tĩnh, trong lúc này tao có mặt ở Quảng Bình là để hiểu mình là con cái miền Trung". Chỉ thế thôi đã biết tấm lòng. Cá chết còn lâu nữa mới tỏ nguyên nhân, nhưng đồng nghiệp bên nhau thì rõ ràng.
Cu Làng Cát
Ảnh: Những nhà báo trên đường ra điểm lặn biển.