Kỳ thị hình thể và giới tính, Victoria’s Secret đối diện làn sóng tẩy chay
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:32, 22/11/2018
Đầu tháng 11.2018, show diễn thường niên thứ 23 của Victoria’s Secret - một trong những sự kiện biểu diễn thời trang xa xỉ và nổi tiếng nhất Hoa Kỳ - được tổ chức tại thành phố New York. Bất kể tiêu chuẩn sắc vóc ‘khó với’ của dàn chân dài, vì sao chương trình luôn thu hút người xem? Vì sao công chúng vẫn ca ngợi nhóm mỹ nhân diện trang phục lót khêu gợi? Những chiếc vương miệnhọ đội nơi sàn catwalk có quyền năng thật sự? Những ‘đôi cánh’ thiên thần Victoria có giúp truyền cảm hứng nữ quyền đúng nghĩa?
Thương hiệu nội y bắt đầu vướng ‘cơn mưa’ chỉ trích trên mạng xã hội, từ khi giám đốc Marketing của hãng - Ed Razek phát biểu trong bài phỏng vấn mới trên tạp chí Vogue, rằng Victoria’s Secrect không muốn người mẫu quá khổ hoặc chuyển giới làm việc cùng họ vì “chương trình dựng theo tiêu chí giả tưởng".
Dù doanh thu liên tục sụt giảm vài năm qua, Razek biện minh, hãng “không bán sản phẩm cho cả thế giới.” (Phát ngôn nhạy cảm sau đó được ông rút lại, với lời xin lỗi đã thiếu “lưu tâm” về câu nói).
Phản ứng chung từ dư luận Hoa Kỳ đang khá tiêu cực. Victoria’s Secrect bị chỉ trích kịch liệt. Người mẫu nặng cân Tess Holliday vừa kêu gọi 1.7 triệu fan trên Facebook tẩy chay thương hiệu Victoria’s Secret. Isis King - nhà thiết kế thời trang và nữ diễn viên chuyển giới được yêu thích tại Mỹ, chia sẻ qua trang Twitter cá nhân sẽ “thôi ủng hộ nhãn hàng đồ lót” dù từng rất tin dùng trước đây.
Vì sao đến tận năm 2018, giữa giai đoạn khi nhiều nhãn hiệu thời trang mong mỏi ‘chuyển mình’ cùng trào lưu đa dạng - bình đẳng giá trị giới tính lẫn hình thể, Victoria’s Secret vẫn cương quyết giữ lấy định kiến cũ?
Vì sao không ít phụ nữ hiện đại vẫn khao khát xây dựng vóc dáng riêng dựa trên những ước định văn hóa xã hội cố hủ?
Thân hình ‘mảnh dẻ’ là nền tảng bất biến bấy lâu khi nhắc đến phái đẹp. Bên cạnh đó tại châu Âu và Bắc Mỹ, đại bộ phận người chuyển giới, nhất là phụ nữ, phải chịu đựng nạn bạo hành hay lăng mạ đơn thuần vì ngoại hình và xu hướng tính dục. Đến nỗi, nếu thiếu tự tin về hình thể hay e ngại công khai giới tính thật, bạn đồng thời đánh mất những quyền lợi xã hội tưởng như nên được tiếp nhận công bằng.
Trong năm nay, không người mẫu nào thuộc cộng đồng LGBT được chọn xuất hiện trong show diễn Victoria’s Secret. Tệ hơn, suốt 23 năm tồn tại, hãng không hề chủ trương bảo trợ cho những người mẫu nặng cân.
Trái ngược Victoria’s Secret, Aerie nổi tiếng là nhãn hàng nội y không ‘photoshop’ nhằm đánh bóng hình ảnh người mẫu, với tiêu chí tôn vinh vẻ đẹp đa dạng - chân thật của phụ nữ.
Dường như “tiêu chí giả tưởng” của chương trình biểu diễn biến thương hiệu nội y thành một biểu trưng đặc quyền cho tuýp phụ nữ mảnh mai, với thân hình cao gầy, gợi cảm. Thứ “tiêu chí” tiêu biểu được thiết lập bởi những nam giới như Ed Razek.
Thay vì gợi nên ấn tượng độc lập, tự tin, nhiều khách hàng tìm đến Victoria’s Secret hy vọng được trở nên gợi cảm, nóng bỏng như những ‘thiên thần’ trên sàn diễn. Duy, đấy có phải mong mỏi thật sự của họ, hay, đơn thuần phản ánh tư tưởng chung đã có phần bảo thủ về vóc dáng phụ nữ?
Ở một doanh nghiệp thời trang, ‘đại diện’ khách hàng đồng nghĩa với việc khiến họ cảm thấy được chào đón, chấp nhận bất kể yếu tố hình thể. Trong khi Victoria’s Secret không giỏi nắm bắt mục tiêu này, Aerie (đối thủ lớn nhất của hãng tại thị trường Mỹ) vừa ra mắt một chiến dịch thời trang đặc biệt mùa hè 2018, nhắm vào đối tượng khách hàng là người khuyết tật. Dự án được đón nhận nồng nhiệt, cho thấy tính liên kết và đa dạng giúp tạo nên thành công thương hiệu cũng như ảnh hưởng xã hội tích cực.
Với một nhãn hiệu nội y mang slogan “vì tự do nữ quyền,” Victoria’s Secret đang cần làm tốt hơn nữa.
Quyền “tự do” đúng nghĩa là khi người mẫu chuyển giới được tạo cơ hội sải bước trên sàn catwalk. “Tự do” là khi phái đẹp thoải mái tìm chọn trang phục lót mà không phải lo âu trước khác biệt vóc dáng, cân nặng. Và chuyện không chỉ dừng lại ở cộng đồng LGBT hay phụ nữ quá khổ.
Như Ý (lược dịch từ HuckMag)