Trung Quốc nhờ châu Âu giúp vượt qua chiến tranh thương mại với Mỹ

Quốc tế - Ngày đăng : 14:38, 22/11/2018

Trung Quốc dự kiến đẩy mạnh phối hợp chính sách thương mại với các quốc gia châu Âu khi Phó thủ tướng Lưu Hạc thăm Đức vào tuần tới, với mục đích tăng khả năng bảo vệ của nước này giữa lúc cuộc thương chiến với Mỹ vẫn đang diễn ra.

Phó thủ tướng Lưu được xem là “cánh tay phải” phụ trách chính sách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông sẽ đến thành phố Hamburg (Đức) từ ngày 25- 28.11 tham dự một hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Âu, tổ chức hai năm một lần.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Phó thủ tướng Lưu sẽ gặp Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz. Chuyến thăm này diễn ra vài ngày trước khi Chủ tịch Tập hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị cấp cao G.20 tại Argentina.

Trong thời điểm quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng và tình trạng không chắc chắn trong đàm phán thương mại song phương, Bắc Kinh đã tập trung tăng cường quan hệ với châu Âu nhằm đối phó áp lực từ Mỹ.

Chuyên gia Lữ Tường thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) đánh giá châu Âu, Trung Quốc đã“ngồi cùng thuyền” trong nỗ lực chống lại chủ nghĩa đơn phương lẫn chủ nghĩa bảo hộ.

“Phối hợp chính sách với EU lẫn các thành viên chủ chốt trong liên minh này để bảo vệ hệ thống thương mại đa phương là việc cần làm. Nếu Trung Quốc khuất phục trước áp lực từ Mỹ thì châu Âu sẽ là nạn nhân tiếp theo”, chuyên gia Lữ khẳng định.

Tổng thống Trump từng chỉ trích thặng dư thương mại của Đức với Mỹ. Berlin còn có nguy cơ chịu thiệthại nặng nếu nhà lãnh đạo Mỹáp thuế ô tô nhập khẩu.

Tuy nhiên cũng như Mỹ, Đức bất mãn với những quy định hạn chế tiếp cận thị trường và khiếm khuyết trong bảo vệ sở hữu trí tuệ của chính quyền Bắc Kinh. Do vậy, cường quốc châu Âu này khó mà quyết định sẽ đứng về phe nào.

Tình trạng đối đầu công khai mới đây giữa Chủ tịch Tập với Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa qua làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng đàm phán thương mại giữa hai bên đạt được kết quả đáng kể.

Theo giáo sư Thời Ân Hoằng đến từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh: “Mỹ có thể đưa hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc làm chủ đề bàn luận trong hội nghị G.20. Đối đầu sẽ leo thang hơn so với APEC 2018”.

“Giữa lúc đang ở vào thế ganh đua toàn diện với Mỹ, Trung Quốc phải củng cố quan hệ với các nước phát triển khác. Chúng ta cần đối thoại với họ”, giáo sư Thời cho hay.

Trung Quốc trong hai năm qua đã vượt mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại số 1 của Đức. Chiều ngược lại, Đức cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong EU.

Ngay khi căng thẳng thương mại với Washington gia tăng vào mùa hè, Bắc Kinh lập tức “làm thân” với EU cùng các thành viên chủ chốt trong khối. Cường quốc châu Á cho phép hãng hóa chất BASF (Đức) xây dựng và sở hữu hoàn toàn một nhà máy trị giá 10 tỉUSD.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Cẩm Bình