Cách phòng bệnh xương khớp khi trời lạnh
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:43, 22/11/2018
Tại sao mùa lạnh dễ bị đau nhức xương khớp?
Do không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da bởi các lỗ chân lông, làm cho mạch máu tại các vùng da co lại, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị kích thích, gây nên đau nhức.
Vì vậy, vào mùa lạnh, nếu mặc không đủ ấm, chứng đau nhức khớp xương càng dễ xảy ra, đặc biệt người có bệnh về khớp đã có tuổi, sức yếu. Ngoài ra, ở một số người bị loãng xương cũng gây nên đau nhức xương khớp hoặc ở người thừa cân, béo phì cũng tác động xấu đến các khớp chịu lực, khi bị lạnh, xương khớp càng bị đau nhức. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến khớp bị thoái hóa, nhất là khớp chịu lực nhiều như khớp cột sống thắt lưng, khớp gối, khớp cổ chân.
Biện pháp phòng ngừa
Giữ ấm cơ thể
Vào mùa đông, cần mặc đủ ấm, quàng khăn ấm, tay đi găng, chân đi tất, đầu đội mũ ấm để không ảnh hưởng xấu đến xương khớp gây đau, nhức, tê, buốt. Khi có dấu hiệu nhức khớp, tê, mỏi, hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách xoa bópđể cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp, giảm đau nhức khớp.
Cần tắm, rửa hàng ngày bằng nước nóng, trong phòng kín gió, tắm xong cần lau khô người và mặc quần áo ngay để tránh cảm lạnh và làm đau nhức xương khớp.
Lưu ý chế độ ăn uống
Cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường canxi, vitamin C, D có trong các thực phẩm như cam, ớt, cà chua rất tốt cho cơ thể. Uống nhiều sữa, ăn các sản phẩm chế biến từ đậu tương ngoài tác dụng bảo vệ tim mạch còn giúp tăng cường cơ xương và ngăn ngừa viêm khớp. Những thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong cá hồi và các loại hạt, rau lá xanh giúp giảm tình trạng viêm đau khớp của người bệnh.
Hạn chế rượu bia, các bữa tiệc thịnh soạn vì có thể gây ra một cơn gout cấp (nhất là ở những bệnh nhân gout) và làm trầm trọng hơn tình trạng đau nhức xương khớp.
Uống đủ nước mỗi ngày
Cơ thể thiếu nước có thể gây hiện tượng cô đặc máu, làm giảm lưu thông máu đến nuôi dưỡng các khớp, nhất là các khớp ở xa (bàn tay, bàn chân). Khuyến khích dùng thức ăn, nước uống có nhiệt độ ấm vì sẽ bổ sung thêm nguồn nhiệt để làm ấm cơ thể.
Vận động hợp lý
Người bị đau nhức xương khớp thường có các triệu chứng cứng khớp vào buổi sáng, nhất là các khớp nhỏ như ở bàn tay, bàn chân. Trước khi rời khỏi giường vào buổi sáng, người bệnh cần tập co duỗi các ngón tay, chân, cũng như các khớp lớn để giảm bớt cảm giác tê cứng. Co duỗi còn giúp máu lưu thông tốt đến các khớp, sau một đêm nằm ngủ xem như các khớp bị “bất động” tạm thời.
Các bài tập thể dục buổi sáng vẫn nên duy trì hàng ngày. Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần. Việc duy trì tập luyện, kể cả khi trời lạnh giúp duy trì sức mạnh của cơ, gân, dây chằng. Đây là những bộ phận giữ vững khớp, góp phần giảm tải sức nặng tác động lên mặt khớp, gây đau khớp. Bên cạnh đó, các bài tập tại chỗ giữa buổi làm việc cũng được khuyến khích áp dụng hàng ngày.
Không tự ý dùng thuốc giảm đau
Khi khớp bị đau nhức, không nên tự ý mua thuốc giảm đau về dùng. Tránh áp dụng các phương cách điều trị truyền miệng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nghiên cứu khoa học rõ ràng. Nên đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp.
Quỳnh Anh (t/h)