Năm 2030 thế giới sẽ thiếu insulin
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:17, 23/11/2018
Theo The Lancet Diabetes &Endocrinology, nhóm các bác sĩ Mỹ, Anh và Thụy Sĩ vừa đưa ra dự báo đáng thất vọng: Đến năm 2030, số người mắc bệnh tiểu đường thể 2 trên thế giới sẽ tăng thêm 100 triệu người, nâng tổng số người bệnh lên tới 511 triệu. Và lượng tiêu thụ insulin sẽ tăng 20%.
Các nhà khoa học đã mô hình hóa sự thay đổi số lượng người mắc bệnh tiểu đường thể 2 và nhu cầu về insulin từ năm 2018 đến năm 2030. Dữ liệu được thu thập từ 221 quốc gia và từ 14 nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau. Điều này cho phép thu thập số liệu thống kê về 60% bệnh nhân tiểu đường trên thế giới.
Chế độ ăn uống không đúng cách, tình trạng béo phì, lối sống ít vận động - tất cả điều này làm trầm trọng thêm dịch bệnh tiểu đường toàn cầu. Và nếu năm 2018, bệnh tiểu đường thể 2 chỉ được chẩn đoán là 406 triệu người thì vào năm 2030, con số này sẽ tăng lên 511 triệu người. Hầu hết sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh sẽ ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Tiêu thụ insulin có thể tăng 20% với mức tăng tối đa ở châu Á. Vì vậy, cần tăng sản xuất insulin. Hiện tại, các nhà sản xuất không thể đáp ứng đủ nhu cầu của tất cả những người cần insulin, vì vậy, cần chủ động thu hút các nước châu Á và châu Phi tham gia sản xuất.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), bệnh tiểu đường là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên thế giới. Bệnh nhân tiểu đường luôn đối mặt với việc tăng 2-3 lần nguy cơ bị đau tim và đột quỵ.
Vũ Trung Hương