Nga ngăn chặn rò rỉ thông tin điệp viên hoạt động ở nước ngoài
Quốc tế - Ngày đăng : 17:28, 23/11/2018
Theo hãng tin Reuters ngày 23.11, dự thảo luật này cấm người Nga không được sản xuất và đăng tải dữ liệu cá nhân có được từ các nguồn tin chính thức, và sẽ xử phạt bất người nào vi phạm lệnh cấm này.
Dự thảo luật còn yêu cầu các cơ quan nhà nước lập hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân phải nghe tư vấn của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB, cơ quan tình báo nội địa Nga).
Dự thảo luật được Bộ Thông tin đăng tải khuya 22.11, nêu đây là sự tuân thủ chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và không đề cập vấn đề rò rỉ thông tin cá nhân.
Nhưng theo Reuters, chính quyền Nga bị bẽ mặttừ vụ trang tin điều tra Mèo Đeo Chuông (Bellingcat) xác định nhân thân thật của hai điệp viên Cục Tình báo quân đội Nga (GRU) qua Anh hồi tháng 3để dùng chất độc thần kinh Novichok cấp quân dụng mà đầu độc cựu điệp viên GRU phản Nga Sergei Skripal và con gái Yulia của ông này.
Tình báo Anh kết luận hai nghi can này qua Anh với tên giảAlexander Petrov và Ruslan Boshirov là sĩ quan GRU. Nhưng hai công dân Nga nói họ chỉ là du khách muốn viếng một nhà thờ ở thành phố Salisbury, nơi ông Skripal sống.
Mèo Đeo Chuông đã lấy thông tin từ hộ chiếu bị rò rỉ, để xác định Boshirov là đại tá Anatoliy Chepiga của GRU, và Petrov là Alexander Mishkin, một bác sĩ quân y thuộc GRU. Hai sĩ quan này đều được Tổng thống Putin phong danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.
Trong một vụ khác, từ dữ liệu chính thức bị rò rỉ, một người Nga đã bị truy vết về một địa chỉ ở Moscow, mà Mỹ nói là một căn cứ của GRU. Công dân Nga này đã bị Mỹ buộc tội tấn công mạng toàn thế giới.
Dự thảo luật đã được đăng tải lên trang web của Bộ Thông tin Nganhằm để nhân dân góp ý trong 30 ngày, sau đó sẽ trình Quốc hội Nga và chính phủthông qua.
Theo Reuters, Nga có một thị trường chợ đen “sôi động” về dữ liệu trái phép, sử dụng thông tin cá nhân bị trộm từ các cơ quan nhà nước. Các dữ liệu bị trộm gồm các thông tin về hộ chiếu, địa chỉ nhà, biển số xe, các khoản hoàn thuế.
Rò rỉ thông tin cá nhân theo kiểu này là phi pháptheo luật hiện có, nhưng chính quyền Nga chưa thể ngăn chặn triệt để. Nhiều dữ liệu được đưa lên công khai trên mạng internet.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)