Cấp phép xây dựng mỗi nơi một kiểu: Thành phố quyết 'dẹp loạn'
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 12:30, 24/11/2018
Nguyên nhân làviệc cấp phép không thống nhất giữa các quận huyện. Đơn cử như ở quận 3, đất hỗn hợp được cấp phép xây dựng chính thức; nhưng ở quận 9 thì chỉ cấp có thời hạn. Việc cấp phép có thời hạn cũng xảy ra tương tự tại các quận huyện ngoại thành như quận Bình Tân, huyện Hóc Môn…
Trước thực trạng này, UBND TP.HCM đã đồng ý đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về phân loại các tiêu chí để cấp giấy phép xây dựng cho người dân sống trong khu quy hoạch trên. Động thái này nhằm thống nhất việc cấp giấy phép xây dựng trên toàn thành phố.
Theo đó, với quy định mới, đất nằm trong khu quy hoạch chức năng đất hỗn hợp được chia làm nhiều trường hợp để căn cứ quyết định cấp giấy phép xây dựng.
Cụ thể, khu vực chiếm trên 50% diện tích đất hỗn hợp với chức năng chính là loại hình nhà ở chung cư, kết hợp với thương mại - dịch vụ văn phòng (không có công viên cây xanh, công trình công cộng); hiện trạng có nhiều nhà ở, đất ở gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân thì được cấp giấy phép xây dựng chính thức.
Đối với khu vực chiếm 30% diện tích đất hỗn hợp, có chức năng chính là công trình thương mại - dịch vụ - văn phòng, không có nhà ở; khu vực không có nhà ở, đất ở của người dân mà chỉ có nhà xưởng, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm cần di dời và không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của lợi ích hợp pháp của người dân thì được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Trường hợp này người dân phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đối với khu quy hoạch chiếm trên 20% diện tích đất hỗn hợp, phổ biến là loại hình nhà ở chung cư kết hợp với thương mại - dịch vụ - văn phòng; hiện trạng có nhiều nhà ở, đất ở lụp xụp; cần thu hút các dự án đầu tư xây dựng để chỉnh trang đô thị và khu vực phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết, tháo dỡ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân thì chưa giải quyết cấp giấy phép xây dựng. Với trường hợp này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ phối hợp với các quận huyện rà soát để điều chỉnh quy hoạch thành đất ở hiện hữu mới cấp giấy phép.
Còn đối với đất nằm trong khu quy hoạch đất dân cư xây dựng mới và các loại đất ở khác tương tự (đất ở nhà vườn, đất ở cao tầng, đất ở thấp tầng) thì việc cấp giấy phép xây dựng riêng lẻ được thực hiện theo quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc chung của thành phố. Tuy nhiên, người dân chỉ được xây dựng theo tầng cao cơ bản, không bao gồm các tầng cộng thêm.
Với quy định mới nay, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị các quận huyện trước mắt phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM xác định cụ thể quy hoạch chức năng đất sử dụng hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới và các loại đất ở khác tương tự. Việc xác định sẽ theo đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn quản lý theo tiêu chí phân nhóm như trên để thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân có nhà, đất trong khu quy hoạch.
Về lâu dài, ông Tuấn đề nghị các cơ quan quản lý quy hoạch phải khẩn trương rà soát, lập quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị theo chỉ đạo của UBND TP.HCM để căn cứ vào đó cấp giấy phép xây dựng cho người dân.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng chỉ đạo các địa phương phải giải quyết thống nhất việc cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trên toàn địa bàn thành phố.
Theo kết quả rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trong 600 đồ án quy hoạch tỷlệ 1/2.000 đã được phê duyệt có xác định 2 loại quy hoạch chức năng sử dụng đất: đất sử dụng hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới. Trong đó, đất quy hoạch hỗn hợp chủ yếu tập trung trong 310 đồ án quy hoạch được TP.HCM phê duyệt từ năm 2013 đến nay.
Tại TP.HCM hiện nay, đất hỗn hợp có diện tích khoảng 1.574 ha, chiếm tỷlệ 1,9% diện tích lập quy hoạch, trong đó 687 ha chức năng đất ở. Vị trí các quy hoạch này chủ yếu tập trung dọc theo các trục giao thông chính như đường vành đai, xung quanh nhà ga của các tuyến metro, các khu vực chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Trong khi đó, đất xây dựng mới có hơn 12.000 ha, chiếm gần 15%, tập trung chủ yếu tại quận mới và huyện ngoại thành như quận 2, 7, 9, 12; huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Các khu đất này chủ yếu là đất trống, đất dự trữ phát triển, đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư…
Phan Diệu