Lộ diện ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long
Quốc tế - Ngày đăng : 16:28, 24/11/2018
Trên trang Facebook của PAP, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo các ủy viên Ban chấp hành trung ương của đảng đã chọn Bộ trưởng Vương làm nhà lãnh đạo của họ. Theo Thủ tướng Lý: “Tôi ủng hộ quyết định của đội ngũ trẻ hơn và hài lòng với kết quả này”. Ông còn cho biết sẽ sớm cải tổ nội các.
PAP cầm quyền tại Singapore từ năm 1959 đến nay. Vị trí mới của Bộ trưởng Vương chỉ dưới quyền Tổng thư ký PAP trong đảng, hiện do ông Lý Hiển Long nắm giữ.
Theo giáo sư luật Eugene Tan của Đại học Quản trị Singapore (SMU): “Truyền thống của PAP cho thấy nhân vật được chỉ định kế nhiệm nhà lãnh đạo đương quyền thường sẽ làm Trợ lý Tổng thư ký thứ nhất. Trường hợp của hai ông Ngô Tác Đống và Lý Hiển Long là minh chứng tiêu biểu (lần lượt là Thủ tướng thứ hai và thứ ba của Singapore)”.
Ngoài ra, PAP hôm 23.11 cũng chọn Bộ trưởng Thương mại Trần Chấn Thanh giữ Trợ ký Tổng thư ký thứ hai, vị trí được xem là cấp phó của ông Vương Thụy Kiệt.
Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt (57 tuổi), Bộ thưởng Thương mại Trần Chấn Thanh (49 tuổi) cùng Bộ trưởng Giáo dục Vương Ấn Khang (49 tuổi) là ba chính trị gia được xác định có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Lý. Cả ba thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 4 của đảo quốc sư tử.
Giáo sư Tan nhận định không ai trong số này là “người kế nhiệm hoàn hảo”, nhưng khi làm việc cùng nhau họ là “một sự kết hợp hoàn hảo”.
Cựu Đại diện thường trực của Singapore tại Liên Hợp Quốc Hứa Thông Mỹ cho biết ông Vương giàu kinh nghiệm chính trị nhất trong ba người, luôn làm tốt công việc của mình khi phục vụ trong chính quyền trước đó lẫn hiện tại (từng được cố Thủ tướng Lý Quang Diệu khen ngợi).
Tiến sĩ Mustafa Izzuddin đến từ Viện ISEAS-Yusof Ishak cũng cho rằng ông Vương có đầy đủ kỹnăng chính trị lẫn ngoại giao cần thiết để trở thành Thủ tướng Singapore.
Nhà chính trị học Bilveer Singh đến từ Đại học quốc gia Singapore đánh giá không xuất thân từ giới quân sự là lợi thế của ông Vương: “Những nhà lãnh đạo kiểu này không làm việc bằng mệnh lệnh mà bằng đàm phán. Chính trị là phải đàm phán và hiểu về những thăng trầm”.
Cẩm Bình (theo Reuters, Channel News Asia, SCMP)