Làm cách nào để phát hiện chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Sự kiện - Ngày đăng : 05:47, 25/11/2018

Hiện tại, trên website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có tính năng tra cứu quá trình đóng BHXH. Người lao động muốn tra cứu thông tin về quá trình đóng bảo hiểm của mình chỉ cần điền đầy đủ thông tin sẽ biết được doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm cho mình chưa.

Theo đó, người lao động phải đăng ký số điện thoại với cơ quan BHXH để nhận mã OTP khi tra cứu. Khi tra cứu mã số BHXH, người lao động sẽ làm theo 7 bước:

Bước 1: Chọn Tỉnh/thành phố

Bước 2: Chọn quận, huyện

Bước 3: Chọn phường xã

Bước 4: Điền số CMND

Bước 5: Điền ngày tháng năm sinh

Bước 6: Chọn mã xác thực

Bước 7: Điền họ và tên đầy đủ có dấu sau đó bấm vào tra cứu sẽ tìm được mã số BHXH của bạn.

Tương tự là cách tra cứu quá trình tham gia BHYT, BHXH. Tuy nhiên, phải điền đầy đủ thông tin ở những phần có đánh dấu hoa thị đỏ và làm theo các bước:

Bước 1: Chọn tỉnh thành

Bước 2: Chọn tháng năm cần tìm

Bước 3: Điền số CMND

Bước 4: Điền mã số BHXH vừa tìm được ở phần tìm kiếm mã số BHXH

Bước 5: Điền số điện thoại nhận mã OTP

Bước 6: Điền mã xác thực

Bước 7: Điền tên cơ quan bảo hiểm bạn tham gia

Bước 8: Điền họ tên đầy đủ của bạn

Bạn bấm vào lấy mã OTP sau đó mã số được gửi về điện thoại của bạn. Điền vào ô mã OTP quá trình hoàn tất, bạn chọn mục Tra cứu quá trình tham gia BHXH.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vừa có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 quy định người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây (đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm:

- Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng

- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới một tỉ đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đến một tỉ đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Trốn đóng bảo hiểm một tỉ đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền từ một tỉ đồng đến 3 tỉ đồng.

Theo Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Tuyết Nhung

tuyetnhung