Khi VAFI chất vấn ‘nhân tài’ không bình thường ở Bia Sài Gòn

Góc bình luận - Ngày đăng : 10:25, 15/06/2016

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản chất vấn điều không bình thường về nhân sự tại Tổng Công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) gửi đích thân ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương và bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương. Tôi cảm nhận câu chuyện này đã và đang có nhiều điều cần suy nghĩ ở khía cạnh bổ nhiệm nhân sự của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Điểm lại sự kiện nóng trên mặt báo tuần qua, dư luận đang hướng về vị Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch TCT cổ phần xây lắp dầu khí (PVC). Tuy làm ăn thua lỗ, bết bát vài năm mà ông này vẫn được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn trong Bộ Công thương và sau đó được đưa vào quy hoạch và luân chuyển cán bộ...

Những tưởng việc đó là hy hữu ở Bộ Công thương, nay mới vỡ ra một điều: Chính ở bộ này còn nhiều nhân vật được bổ nhiệm, thăng chức tương tự mà điển hình là con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Nó xảy ra vào thời điểm khá nhạy cảm, đó là khi ông Hoàng chuẩn bị rời khỏi chính trường. Có lẽ, đây cũng là ví dụ về việc cần xem lại công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ ở nước ta hiện đang có lắm chuyện mà bộ Công thương là một dẫn chứng .

Tại văn bản, VAFI cho biết, năm 2015, ông Vũ Quang Hải khi đó 28 tuổi đã được lãnh đạo Bộ Công thương điều động về Sabeco ở vị thế hàm Phó Vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên HĐQT đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc và "mục tiêu" là tiến tới có thể bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Sabeco.

Theo thông báo của Sabeco, doanh số của họ năm 2015 đạt 30 ngàn tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 17 ngàn tỉ. Kết quả rất tốt và được xem là đất tốt để khi cổ phần hoá sẽ là cơ hội để góp vốn, dễ sinh lời...

Lúc ông Hải mới về Sabeco, tôi có được mời dự lễ kỷ niệm 140 năm ra đời của Nhà máy bia Sài Gòn. Trong chương trình, có một nhân vật rất trẻ xuất hiện trên khán đài với tư cách người dẫn dắt một sự kiện gì đó tôi không nhớ chính xác. Tiếc thay, anh bạn trẻ nọ bị "khớp" do trục trặc kỹ thuật, khiến hội trường gần như nín thở ái ngại thay anh. Lúc tan lễ, khi ra sảnh Dinh Thống Nhất, tôi thấy có rất nhiều người đến vỗ vai cậu thanh niên bảnh trai này như để chia sẻ, động viên cái điều đáng tiếc kia mà vì nó nên cậu ta đang có vẻ buồn buồn...

Sau đó, một nhà báo đồng nghiệp đã rỉ tai với tôi: "Quý tử" của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đó nghe. Mới nhậm chức Phó tổng giám đốc đó. Cậu này mới có 28 tuổi, nghe đâu đang làm ăn bết bát thua lỗ ghê lắm ở một đơn vị trong Bộ Công thương. Thấy "tuổi trẻ tài cao" chưa ông?".

Được biết, năm 2011, ông Vũ Quang Hải từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PVFI khi mới 25 tuổi và mới có một năm làm công chức nhà nước. Công ty này có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Theo VAFI, PVFI dưới sự “chèo lái” của ông Vũ Quang Hải, năm 2011 đã lỗ 155 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỉ đồng. Qua 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ là 300 tỉ đồng.

Sau đó, ông Vũ Quang Hải được điều động về Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) và thời điểm này, theo VAFI, PVFI đã “gần như tê liệt hoạt động và đã ở tình trạng phá sản”, dù là công ty đại chúng nhưng mọi thông tin về PVFI đều bị “bưng bít” khi ông Vũ Quang Hải nắm quyền. Ngoài ra, VAFI cũng đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐTQ và Phó tổng giám đốc của Sabeco.

Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi: Cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải chức danh Phó Vụ trưởng, người mới chỉ làm công chức được 1 năm? Không lẽ Bộ Công thương không biết điều sơ đẳng đã là một quy định: ai đang chịu trách nhiệm với một doanh nghiệp (ở PVFI ông Hải là Tổng giám đốc) mà làm thua lỗ 2 năm sẽ bị cách chức?

Bất chợt tôi lại nhớ đến câu chuyện về một người bạn học với tôi và cũng là lớp trưởng của tôi hồi học dài hạn khoá 15 trong Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc cách đây đã 28 năm. Anh cũng từng là Bộ trưởng của một bộ quan trọng ở nhiệm kỳ trước. Con trai anh ấy đã công tác ở bộ này trước cả khi anh được tín nhiệm cất nhắc từ tỉnh về Trung ương nhậm chức.

Cách đây 3 năm, có lần tôi hỏi vợ của anh bạn thân tôi rằng: "Em nghe nói con trai chị đã giữ chức Trưởng phòng của bộ tới 5 năm nay mà sao anh không đưa cháu lên Vụ phó, cứ để đì đẹt vậy? Em thấy con nhiều ông lãnh đạo đưa con mình lên như diều ấy chị ơi".

Thế là chị trả lời tôi: "Tính anh của chú thế nào thì chú biết đấy (ý nói tôi, theo cách nói thân mật), anh ấy bảo mình là người đứng đầu của một bộ, mình đưa lên như thế sẽ không hay gì đâu. Nếu con mình mà làm tốt thì tự nó sẽ được quan tâm bồi dưỡng, có gì phải làm thế, tiếng tai rồi sẽ để đời đấy...".

Tôi không thể quên được câu chuyện từ 3 năm trước đó và luôn xem đây như một cách giáo dục hay của một ông quan cách mạng đáng trân trọng. Nay, từ câu chuyện của cậu quý tử nọ mà càng thấy ý nghĩa hơn. Không lẽ cứ "con ông cháu cha" là có thể "đôn" lên ào ào, bất kể thời gian cống hiến của anh ta ra sao, làm ăn bết bát thế nào. Có công lao, thành tích gì sáng giá không mà đưa lên như thế? Theo tôi, tư tưởng lợi ích nhóm, chỉ muốn vụ lợi cho người thân, bất chấp dư luận đàm tiếu chính là chỗ này chứ đâu xa! Công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước rất nên coi đây như một câu chuyện có thật để uốn nắn từng quan chức trong bộ máy đảng, chính quyền. Các vị lãnh đạo rất cần nêu gương sáng cho người khác nhìn vào.

Quốc Phong

Ảnh: Ông Vũ Quang Hải - Ảnh: T. Hà - Tuổi Trẻ.