Như thế, không phải là vô cảm thì là gì?

Góc bình luận - Ngày đăng : 17:55, 26/06/2016

Phải chăng, chính do sự vô cảm lạnh lùng của những người được mệnh danh là "công bộc" của dân nên số phận các em mới cơ cực như vậy?
Hai nữ sinh Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Hiếu Thảo (bàn đầu bên phải). Ảnh: Đình Nguyên-VNN

Một câu chuyện thẫm đẫm nước mắt nếu như chúng ta đọc nó. Báo Vietnam.net đăng lá thư của hai em nữ sinh lớp 12 Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Hiếu Thảo ở quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh khẩn cầu Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng vì các em đã đến cận ngày thi mà giấy tờ tùy thân không hề có chỉ vì lý do các em vốn là những đứa trẻ không được chính quyền thừa nhận sự tồn tại khi sinh ra, rồi sau đó, được đưa về Trường Mái ấm tá túc trong sự cưu mang của những tấm lòng nhân đạo của các tu sĩ...

Nữ sinh Nguyễn Minh Phương, học lớp 12C5 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân, TP.HCM và Nguyễn Hiếu Thảo, học lớp 12A Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Nai (đều thuộc mái ấm Truyền Tin, địa chỉ 923/5 Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), trong lá thư mà các em viết hồi tháng 3.2016 đã có đoạn khiến Bí thư Thăng không khỏi bức xúc nên đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc tìm hiểu và giải quyết, kịp cho các em có tấm Thẻ công dân trước ngày thi tốt nghiệp và cũng là thi đại học trong mấy hôm nữa.

Các em Phương và Thảo đã viết :

“Khi sinh ra chúng con đã không được thừa nhận sự tồn tại của những sinh linh bé nhỏ. Rất may mắn khi được cánh cửa của Mái ấm đã rộng mở chào đón chúng con. Chúng con như được sinh ra một lần nữa. Chúng con đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học sắp tới với cánh cửa tương lai đang rộng mở chờ đón, nhưng đến nay chúng con vẫn chưa được cấp giấy chứng minh nhân dân, chưa được xã hội thừa nhận là công dân Việt Nam”.

Theo Vietnam.net thì trung tâm Truyền Tin được thành lập từ năm 1995, đã trở thành mái ấm, là nơi nương tựa của hàng trăm trẻ mồ côi bị xã hội bỏ rơi. Tại đây, các em được ăn, được đi học nhưng lại không được làm chứng minh nhân dân. Nguyên do cũng có một phần do cơ chế cứng nhắc cộng vói sự vô cảm của các công bộc của dân. Họ nói rằng muốn có chứng minh nhân dân, các em phải có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Trong khi đó, nhiều cơ sở mái ấm tại đây lại không được cấp giấy phép nên làm sao hoàn chỉnh thủ tục đó? Vậy là mọi chuyện đã tắc tị và trung tâm không thể đứng ra đăng ký thường trú cho các em.

"Theo nữ tu Nguyễn Thị Cư, từ năm 2010, đại diện cơ sở đã làm hồ sơ gửi quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh xin thành lập cơ sở bảo trợ xã hội (CSBTXH) nhưng không được chấp nhận. Tình cảnh cứ kéo dài nhiều năm. Nhiều mái ấm và nhà tình thương khác cũng rơi vào trường hợp tương tự.Về việc Mái ấm Truyền Tin không được cấp phép, phía chính quyền đưa ra rất nhiều lý do, từ không đủ điều kiện môi trường, không đủ cơ sở vật chất hay nguồn kinh phí… đến những lý do “không thể tin nổi” như mái ấm không có nhà tang lễ và cơ sở chăn nuôi. Chính quyền cũng giải thích việc cần nhà tang lễ là để có nơi cúng tế cho các sinh linh không may. Còn cơ sở chăn nuôi để đảm bảo điều kiện sản xuất thu nhập cho cơ sở. Người phụ trách mái ấm ở đây cũng đã giải thích rằng thành phố chật hẹp, đất đắt như vàng, kiếm đâu chỗ xây nhà tang lễ. Còn việc chăn nuôi thì chưa cần vì các mái ấm tồn tại chủ yếu dựa nhờ vào lòng hảo tâm của người đời và xã hội" (VNN ngày 26/6).

Về lý thuyết, tôi hiểu những sự lằng nhằng của thủ tục hành chính nêu trên. Song vấn đề đặt ra xung quanh câu chuyện trên là vì sao không một cơ quan công quyền nào, một quan chức nào tỏ ra bức xúc vì sự trớ trêu nói trên rồi cùng khẩn trương xắn tay vào cuộc, cùng bàn thảo và giải quyết chúng rốt ráo? Phải chăng, chính do sự vô cảm lạnh lùng của những người được mệnh danh là "công bộc" kia nên số phận các em mới cơ cực như vậy?

Tôi có được biết, trước đây, lúc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đương chức, có lần ông đọc báo Thanh Niên, thấy có nêu một trường hợp tương tự ở TP.Hồ Chí Minh khi em đó đã lớn và gặp biết bao trở ngại trong cuộc sống cũng vì không có giấy tờ tùy thân. Thật bất ngờ, chỉ ít ngày sau, em đã được địa phương cấp chứng minh nhân dân để "được làm người" trong sự sung sướng vỡ òa. Còn chính quyền TP thì đã thực hiện xong một việc để còn "báo cáo thành tích" với Thủ tướng trước thời hạn nào đó theo chỉ đạo.

Những tưởng chỉ nội một câu chuyện như trên xảy ra, các cơ quan quản lý nhà nước phải ngồi với nhau để cùng bàn thảo, tháo gỡ những trường hợp tương tự bằng cơ chế, bằng luật pháp. Cần thiết phải sửa luật lệ liên quan thì cũng nên làm. Dù có phải sửa luật mới làm được thì cũng nên nhớ rằng luật là do ta làm ra, ta quyết định. Chỉ có làm như vậy thì mới căn cơ và sẽ không bao giờ tái diễn những hoàn cảnh đau lòng nữa. Nhưng thực tế thì lại không thế. Chính cách làm không đến cùng này mới khiến 2 chục năm sau, Bí thư Đinh La Thăng lại phải vào cuộc.

Tôi tự hỏi, liệu sau 2 trường hợp nói trên được giải quyết thì sẽ ra sao với số phận của biết bao em khác tương tự nếu nhà nước không ra những quy định mang tính pháp quy? Nó sẽ làm cho người đứng đầu một thành phố với cả chục triệu dân cứ phải đi giải quyết những chuyện quá "vụn vặt" mà có khi chỉ thế cũng đã hết ngày. Đây chính là điều gián tiếp lý giải bộ máy hành chính đang có vấn đề, rất cồng kềnh mà kém hiệu quả. Vậy thì còn đâu thời gian giải quyết chuyện đại sự khác?

Nói cho đúng, chuyện cấp thẻ căn cước cũng là để giúp chính quyền có thể quản lý tốt hơn con người sống trên địa bàn, mà nếu các em đến tuổi không được cấp thẻ căn cước thì sẽ khó khăn hơn nhiều cho công tác quản lý dân cư. Đó là chưa nói đến vấn đề quyền con người nhân câu chuyện trên.

Cải cách triệt để thủ tục hành chính trong bộ máy công quyền hôm nay mới là cái gốc của vấn đề cần giải quyết. Giải quyết trên cơ sở luật pháp rõ ràng, không nên chỉ là "vận dụng" mỗi khi có chỉ đạo từ trên dội xuống. Chỉ có vậy, bộ máy hành chính mới gọn nhẹ nhưng hiệu quả và không bị mang tiếng cồng kềnh, quan liêu... trong khi tiền thuế của dân đóng để nuôi bộ máy ngày càng không chịu nổi nếu cứ như vậy!

Quốc Phong