Hậu phương của người lính
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:28, 23/06/2016
Vụ chiếc máy bay phản lực SU-30MK2 bị tai nạn trong khi bay tập luyện khiến một phi công hy sinh đang dấy lên những quan tâm của dư luận xã hội và truyền thông. Sự ra đi của thượng tá (sau đó được truy phong đại tá) Trần Quang Khải là đau xót mất mát không phải chỉ của thân nhân, gia đình anh mà còn tạo xúc động mạnh đối với người dân cả nước.
Người lính, ở thời nào cũng vậy, luôn đối đầu với cái chết. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Vương Hàn), xưa nay ra trận đánh nhau có mấy ai trở về, vẫn biết là thế nhưng trước sự hy sinh của người lính, nhất lại là đang thời bình, thật đáng suy ngẫm. Thực ra thời bình chỉ dành cho những người khoác áo dân sự thôi chứ đời binh nghiệp mấy khi có bình yên.
Tôi nhớ truyện ngắn đặc sắc Một lần tới thủ đô của nhà văn Trần Đăng thời kháng chiến chống Pháp. Ông viết về người lính từ chiến khu trở lại thủ đô. Giữa phố phường hoa lệ, người lính dường như vẫn nguyên vẹn chất lính, ngay cả bước chân cũng đi theo lối đi của người đi rừng. Bản chất người lính là thế, và cuộc đời cũng mặc nhiên quy định vậy, không thể nào khác được.
Những năm chống Mỹ, cả miền Bắc là hậu phương lớn. Những câu khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Hậu phương thi đua với tiền phương” có sức giục giã vô cùng lớn lao. Hậu phương vững mạnh, quan tâm đến người lính, đặc biệt về chế độ chính sách, đã làm cho anh bộ đội yên lòng khi đang lăn lộn nơi chiến hào đánh giặc.
Chính sách hậu phương quân đội trong mọi chừng mực đều tác động đến cuộc sống tâm lý, tình cảm, ý chí, hành động của người chiến sĩ. Họ sẽ vững lòng và hăng hái hơn khi gia đình, người thân (bố mẹ, vợ con) nơi quê nhà được chính quyền, đoàn thể, nhân dân, các cơ quan có trách nhiệm quan tâm chu đáo, đảm bảo cả vật chất lẫn tinh thần. Và lẽ dĩ nhiên, chẳng ai có thể vững vàng tay súng nơi chiến trường nếu ở nhà bố mẹ già yếu thiếu bàn tay chăm sóc, vợ hoặc người yêu không có công ăn việc làm, con cái còn nhỏ dại thiếu thốn, đói ăn đói mặc…
Vẫn biết đất nước ta còn nghèo, cuộc sống còn nhiều vất vả, chưa thể lo hết được cho người lính mặt này mặt khác, điều nọ điều kia nhưng trong chừng mực nào đó cần xác định được những đối tượng phải chăm lo thật chu đáo. Hơn ai hết, đó là thân nhân của những người lính bền gan nơi hải đảo, nơi nhà giàn đang đối mặt với kẻ thù; những chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển hằng ngày từng giờ vật lộn với bão tố, sóng dữ, chịu đựng hiểm nguy, cận kề cái chết; những người lính biên phòng quanh năm suốt tháng sống nơi rừng xanh núi đỏ bám trụ bảo vệ biên cương; những chiến sĩ không quân miệt mài rèn tập từng giây từng phút bất kể mưa nắng đêm ngày để “đất nước không bị động” trong mọi tình huống; những người lính tàu ngầm phần lớn thời gian chìm trong biển nước, xa cách xã hội náo nhiệt hằng ngày. Trong lúc số đông chúng ta được thừa hưởng những thành quả của thời bình thì họ vẫn phải thường trực như thời chiến, chịu rất nhiều vất vả, thiệt thòi.
Lịch sử dân tộc này đã trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh. Thực tế đã chứng minh rằng, dù kẻ thù có mạnh mấy chăng nữa nhưng nếu phía sau người lính là cả hậu phương vững chắc thì sức mạnh của đội quân bảo vệ đất nước sẽ được nhân lên gấp bội.
Tôi nhớ lại, những năm đánh Pháp, nhạc sĩ Xuân Oanh viết một ca khúc thật hay, bài Quê hương anh bộ đội. Trong ký ức, tâm hồn của anh vệ quốc là hình ảnh sâu đậm “Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi, bờ tre nhà tranh vách mới…, Nhà anh có đàn em mắt ngây thơ má hồng, những chiều ngồi hát vui trên mình trâu, em bé dắt trâu về. Gia đình làng mạc yên ấm, reo vui cày cấy đời đời thanh bình”. Người lính ấy đang nơi chiến hào nhưng cảm thấy rất yên lòng về quê nhà, người thân, từ đó vững tin vào sự lựa chọn, hiến dâng của mình, tràn ngập niềm hy vọng về ngày mai “Nơi ấy nay vẫn còn ánh nắng thắm tươi, đang chờ ngày về chiến thắng”.
Thời niên thiếu những năm đánh Mỹ, lứa chúng tôi từng hát cho nhau nghe bài hát về em gái nhỏ “đưa cơm cho mẹ đi cày” của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích. Thật xúc động khi nhạc sĩ và nhà thơ tác giả phần lời ghi lại dòng thư của người lính gửi từ chiến trường về: “Mẹ ơi mẹ hẳn vui chiều qua đọc thư bố. Lời bố khen con nhớ, mẹ đảm đang con chăm ngoan, lúa lên bông. Mai đây chiến thắng bố về, sẽ nghe mẹ kể chuyện con, rằng con bước lon ton khi con đưa cơm cho mẹ vui đi cày”.
Tôi dẫn ra hai bài ca ấy để thấy rằng chính sách hậu phương quân đội dù thế nào chăng nữa cũng phải đạt được mục đích cuối cùng là làm cho anh bộ đội hoàn toàn yên tâm về hậu phương để có thể vững vàng nơi tiền tuyến. Chỉ một chút tâm tư, lo lắng, xao động, băn khoăn mà do hậu phương làm không tốt cũng có thể làm giảm sức chiến đấu của các anh.
Bây giờ không phải lúc đổ lỗi cho ai, cho người này người nọ nhưng rõ ràng việc để có thực trạng như trường hợp gia đình phi công Trần Quang Khải vừa hy sinh, chồng gánh vác trách nhiệm của người lính bảo vệ Tổ quốc, mà bao năm đằng đẵng vợ con vẫn phải ở nhà thuê, vợ là cô giáo có bằng thạc sĩ vẫn không được nhà nước tuyển dụng phải đi làm gia sư, dạy hợp đồng với thu nhập bấp bênh. Hoặc trước đó, chúng ta còn nhớ hồi năm 2014, các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam đã mấy tháng trời một mất một còn đấu với đám tàu chiến hung hăng Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo vụ giàn khoan Hải Dương 981. Khi cả nước đang quân tâm đến công lao của các anh thì mọi người cũng mới ớ ra là hậu phương thật thiếu sót bởi chưa có sự quan tâm cần thiết, đúng mức đến người thân của họ.
Việc Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký tuyển dụng đặc cách viên chức cho chị Trần Thị Hà vợ phi công Khải vào biên chế nhà nước, là giáo viên chính thức tại Trường THPT Chu Văn An là một việc đầy tính nhân văn, cũng như trước kia chính quyền TP.Đà Nẵng thu xếp cho vợ, cho người yêu của những chiến sĩ cảnh sát biển quê Nghệ An, Hà Tĩnh vào làm việc, có công ăn việc làm ổn định. Nhưng nói cho cùng, đó vẫn chỉ là biện pháp chữa cháy, mang tính nhất thời chứ không phải chủ trương nền tảng, căn cơ, bền vững, thỏa đáng, lâu dài. Phải làm sao để mỗi người lính, nhất là những người lĩnh trọng trách, nhiệm vụ đặc biệt “yên tâm vững bước mà đi” với một hậu phương đầy tốt đẹp. Không thể đòi hỏi người lĩnh cùng lúc phải cống hiến cả bản thân lẫn gia đình, hy sinh bằng mọi giá. Như thế thật không công bằng.
Trách nhiệm ấy đặt ra cho cơ quan thực hiện chính sách hậu phương quân đội của Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội. Từ trường hợp của gia đình thượng tá phi công Trần Quang Khải, không biết những cơ quan này sẽ rút ra được điều gì?
Nguyễn Thông