EU quyết thúc đẩy cải cách WTO tại hội nghị G-20

Quốc tế - Ngày đăng : 15:09, 28/11/2018

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định căng thẳng thương mại toàn cầu đang đem lại rủi ro cho cam kết mở cửa thị trường của nhóm G-20. Hai ông cũng cam kết giúp đỡ cải cách Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để giải quyết tình hình hiện tại.

20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nhóm họp tại Buenos Aires trong hai ngày 30.11- 1.12. Xung đột thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng là vấn đề thảo luận hàng đầu.

Tusk và Juncker đại diện liên minh châu Âu (EU) tham gia. Hai ông đã viết trong thư gửi nhà lãnh đạo các nước thành viên: “Triển vọng trước thềm hội nghị cấp cao G-20 khá ảm đạm. Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ngày càng bị bóp méo, còn căng thẳng thương mại chưa được giải quyết, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai kinh tế toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi muốn tập trung vào nỗ lực thuyết phục những đối tác khác rằng không có lựa chọn nào tốt hơn hợp tác đa phương”.

Hiện tại, do bất đồng về tiếp cận thị trường, ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cùng trợ cấp nhà nước mà Mỹ với Trung Quốc lâm vào một cuộc chiến thuế quan. EU, Canada, Nhật Bản đầu năm nay cũng bị Washington áp thuế nhôm - thép.

EU đang dẫn dắt nỗ lực cải cách WTO - Ảnh: MSN

Theo hai ông Tusk và Juncker, các quy định WTO cần được điều chỉnh để có thể xử lý nhiều thách thức mới như trợ cấp công nghiệp, ép buộc chuyển giao công nghệ, chính sách làm méo mó thị trường. Hội nghị G-20 sắp tới phải giúp chấm dứt việc Mỹ làm khó công tác bổ nhiệm người cho Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO, cũng như ngăn chặn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trả đũa lẫn nhau thêm nữa.

“Cam kết giữ vững mở cửa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương lâu nay của G-20 có nguy cơ trở thành ngôn từ sáo rỗng”, hai ông Tusk và Juncker cảnh báo.

Hôm 26.11, EU đã công bố đề xuất cải cách WTO với mục đích thúc đẩy tiến hành một ít sửa đổi với ba chức năng đàm phán, giám sát, giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Trang Bloomberg cho biết đề xuất nhận được sự ủng hộ của Úc, Canada, Trung Quốc, Iceland, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Sĩ.

Cẩm Bình (theo Reuters, Bloomberg)

Cẩm Bình