Indonesia công bố báo cáo sơ bộ về vụ máy bay Lion Air gặp nạn
Quốc tế - Ngày đăng : 17:15, 28/11/2018
Báo cáo sơ bộ không đưa ra nguyên nhân chính xác gây ra tai nạn mà chỉ tập trung vào công tác bảo dưỡng và huấn luyện phi công của hãng Lion Air, cùng với vấn đề trong hệ thống chống stall (từ chuyên môn làanti - stall system).Sự cố stall là một tình huống nguy hiểm mà phần chuyển động nâng của cánh máy bay không còn đủ để chống lại trọng lượng của nó, khiến cho máy bay bị mất kiểm soát và rớt. Stall thường xảy ra khi góc của máy bay (AOA) – liên quan đến chuyển động của không khí qua cánh máy bay – đạt đến góc làm giảm lực nâng cánh so với tốc độ dòng khí lưu thông khiến cho mũi của máy bay bị kéo dốc lên và gây ra tai nạn. Nỗ lực giữ cho máy bay ổn định của đội ngũ phi công cũng được tiết lộ.
Hôm 29.10, JT-610 (dòng máy bay Boeing 737 MAX 8) xuất phát từ Jakarta bất ngờ lao xuống biển chỉ sau 13 phút cất cánh. Thông tin lấy từ thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay cho thấy thiết bị cảnh báo tình trạng stall cho phi công (stick shaker) liên tục rung. Phi công trưởng phải cố điều khiển nâng mũi máy bay lên trong khi hệ thống chống stall tự động làm điều ngược lại.
KNKT cho biết phi công điều khiển JT-610 một ngày trước (bay từ Denpasar đến Jakarta) cũng gặp vấn đề tương tự. Lúc đó họ phải tắt hệ thống, chuyển sang chế độ tự điều khiển.
“Thiết bị cảnh báo chòng chành báo động từ khi cất cánh lẫn trong suốt chuyến bay Denpasar- Jakarta. Tình trạng này bị đánh giá là không đủ an toàn để bay”, KNKT khẳng định. Phi công của chuyến này có báo cáo cho đội ngũ bảo dưỡng.
Không chỉ vậy, các nhà điều tra còn xác định hệ thống hiển thị tốc độ cũng gặp vấn đề nhưng phía bảo dưỡng vẫn cho JT-610 hoạt động trong ngày 29.10 khi chưa sửa chữa xong trục trặc này.
Trong báo cáo, KNKT yêu cầu Lion Air chỉnh đốn hoạt động đảm bảo an toàn bay và ghi chép đầy đủ về các hoạt động bay. Báo cáo còn liệt kê một danh sách những hoạt động bảo dưỡng hàng không cần phải thực hiện.
Phía Boeing tuyên bố họ có ban hành hướng dẫn quy trình phòng ngừa hệ thống chống chòng chành gặp rủi ro, và phi công điều khiển JT-610 bay chuyến Denpasar- Jakarta đã áp dụng. Công ty sản xuất máy bay này lưu ý rằng báo cáo sơ bộ KNKT đưa ra không cho biết phi công của chuyến bay xấu sốcó thực hiện quy trình nêu trên hay không?
Cũng theo Boeing, hệ thống chống chòng chành của phiên bản máy bay 737 MAX không có thay đổi gì so với hệ thống mà dòng 737 sử dụng. Tuy nhiên, một số phi công lại nói rằng trong một số điều kiện nhất định thì cột điều khiển lại hoạt động khác nhau.
Cẩm Bình (theo Reuters, SCMP)