Vụ 2 công nhân chết vì lở đá: Khai thác đá kiểu ‘vô tư’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:47, 29/11/2018
>> Kiên Giang: Đang điều tra 2 công nhân bị đá đè chết
Không đảm bảo an toàn?
Hơn 10 ngày sau khi anh Danh Văn Tý (37 tuổi), và ông Vũ Đình Nghĩa (52 tuổi, cùng ngụ H.Kiên Lương), thuộc Tổ khoan nổ mìn - Công ty TNHH Đức Quân tử vong khi đang khoan xử lý đá tại khu vực núi Hang Cây Ớt(thuộc tổ 4, ấp Ba Núi, xã Bình An, H.Kiên Lương) do đá rơi đè trúng, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang vẫn đang điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.
Trưởng ấp Ba Núi - Võ Quốc Thư, khẳng định, nhiều năm qua Công ty TNHH Đức Quân - đơn vị khai thác thuê cho Công ty CP Xi măng Hà Tiên -Kiên Giang, không làm đúng theo quy trình khai thác đá, nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động.
“Theo quy trình, trước khi khai thác, đơn vị phải làm đường lên ngọn núi để cắt ngọn, khai thác từng lớp một (mỗi lớp 10m) từ trên xuống, còn ở núi Hang Hai Cây Ớt đơn vị khai thác không làm như thế là không đúng quy định”, ông Thư nói và cho biết đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại, ông Tô Đại Quân, Giám đốc Công ty TNHH Đức Quân khẳng định, công ty mình làm đúng theo cam kết, và đúng quy trình khai thác.
“Đơn vị đang cắt ngọn núi theo cam kết trước khi khai thác”, ông Quân nói và cho biết hợp đồng ký với Công ty xi măng Hà Tiên -Kiên Giang về việc khai thác đá đến năm 2019 mới hết hạn.
Khu vực núi Hang Cây Ớt - nơi vừa có 2 công nhân tử vong -Ảnh: Nguyễn Văn
Tuy nhiên, khi PV yêu cầu được đến khu vực cắt ngọn, làm theo quy trình của công ty để kiểm chứng, thì ông Quân từ chối vì cho rằng khu vực khai thác mỏ không được phép vào...
Ông Đỗ Văn Thảnh, Trưởng Phòng Khoáng sản (Sở TN-MT Kiên Giang), xác nhận, tháng 9.2017, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) sau khi tiến hành kiểm tra thực tế tại mỏ đá Hang Cây Ớt đã yêu cầu đơn vị khai thác khắc phục ngay những tồn tại, vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Thông báo số 2876/TB-ĐCKS, của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản gửi đến Công ty CP Xi măng Hà Tiên -Kiên Giang nêu rõ: “Ngày 19.5.2017, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại mỏ đá vôi Hang Cây Ớt, xã Bình An, H.Kiên Lương theo giấy phép khai thác khoáng sản số 410 QĐ/QLTL ngày 15.5.1995 do Bộ Công nghiệp nặng (cũ)cấp cho Công ty CP Xi măng Hà Tiên, Kiên Giang.
Xét báo cáo kết quả kiểm tra và biên bản kiểm tra lập ngày 19.5.2017của Đoàn kiểm tra, Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam yêu cầu:
Có cam kết về lộ trình hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh công suất và khẩn trương làm các thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép khai thác cho phù hợp; trong thời gian chờ cấp lại giấy phép, các đơn vị chỉ được khai thác nguyên liệu đảm bảo đủ cung ứng cho hoạt động của nhà máy.
Phải có phương án xử lý các vị trí đá treo; thường xuyên theo dõi các vị trí có nguy cơ trượt lở, và có phương án xử lý kịp thời đưa về trạng thái an toàn theo quy phạm khai thác mỏ lộ thiên; cắm bổ sung biển báo, bảng chỉ dẫn theo quy định; dừng khai thác tại phía tây, chỉ được phép khai thác sau khi đã xử lý chiều cao tầng đảm bảo an toàn...”.
Khai thác đá kiểu “thổ phỉ”
Căn nhà nhỏ của anh Danh Văn Tý ở ấp Ba Núi vẫn còn phủ màu tang tóc kể từ ngày anh gặp nạn tử vong hơn 10 ngày trước. Ông Danh Văn Mai nói với giọng trầm buồn khi kể về đứa con trai xấu số của mình: “Nó chết để lại vợ và 2 con nhỏ, vợ chồng tôi đã già nhưng vẫn phải cưu mang, lo lắng cho dâu và cháu, chớ bỏ đâu cho đặng”.
Ông Danh Văn Mai - cha ruột anh Tý, u sầu kế về cái chết của con mình -Ảnh: Nguyễn Văn
Ông Mai cho biết, anh Tý là công nhân của đơn vị khai thác đá thuê hơn 9 năm qua. Chiều 16.11, trong lúc cùng 1 đồng nghiệp làm việc tại mỏ đá Hang Cây Ớt thì bị đá rơi trúng khiến cả 2 tử vong tại chỗ. “Tôi đang trông cháu ở nhà thì nghe đồng nghiệp thằng Tý gọi điện thông báo nó bị tai nạn, tôi như đã chết đi khi hay tin con mất”, ông Mai nghẹn nghào.
Người cha cho biết, lúc đầu khi hay tin, ông chạy đến bệnh viện vì tưởng con chỉ bị thương nhẹ. “Tôi tìm kiếm khắp nơi ở bệnh viện nhưng không thấy con, khi quay lại mỏ đá thì thấy nó đã được đưa ra ngoài, chờ công an khám nghiệm tử thi”, ông Mai nói và cho biết sau tai nạn, đơn vị khai thác có đến, hỗ trợ tiền cho vợ con anh Tý.
Ngoài khu vực mỏ đá Hang Cây Ớt, ở xã Bình An còn nhiều điểm khai thác đá khác. Trong đó phải kể đến, mỏ đá ở núi Sơn Trà đang làm nỗi ảm ảnh của người dân bản địa.
Chỉ tay về phía núi Sơn Trà, ông Lâm Văn Kía (72 tuổi) thở dài nói rằng dân ở đây đang khổ sở vì nạn khai thác đá theo kiểu “thổ phỉ” của các doanh nghiệp hơn 1 năm qua.
“Nhà tôi ở cách chân núi 85 mét, mỗi lần họ đặt mìn nổ đá trên núi là mọi người phải ẳm bồng con cháu, gom tài sản bỏ nhà chạy đi xa hàng trăm mét để được an toàn”, ông Kía nói.
Ông Kía chỉ tay về khu vực núi Sơn Trà - nơi dân làng ông phải chạy bỏ nhà mỗi khi đơn vị khai thác đá cho nổ mìn -Ảnh: Nguyễn Văn
Người dân cho biết, giờ nổ mìn của đơn vị khai thác thường vào khoảng 11 giờ trưa. Trước khi cho nổ mìn, họ bấm còi hú báo hiệu, đồng thời cho người của công ty đến từng nhà nằm trong vùng nguy hiểm đưa dân ra ngoài.
“Chúng tôi được canh giữ không cho về nhà cho đến khi cuộc nổ mìn kéo dài khoảng 20 phút kết thúc”, anh Lâm Hoàng Đạo nói và cho biết, vợ chồng anh phải ôm con trai 2 tuổi chạy đi cho dù đang ăn cơm hay nghỉ trưa.
Quân bình, đơn vị khai thác đá tại núi Sơn Trà cho nổ mìn khoảng 3 - 4 lần/tháng, và không ít lần đá bay rơi trúng nhà dân gây thủng tôn. “Mỗi lần như vậy, dân chúng tôi được công ty mua tôn mới đưa đến để thay thế”, ông Kía nói và cho biết tiếng nổ rất lớn, nó làm rung chuyển đất đai hay giật máy tôn của các gia đình cách đó hàng trăm mét.
Nhóm PV