Cùng với buồn đau, cần xem xét kỹ nguyên nhân gây mất mát
Góc bình luận - Ngày đăng : 14:37, 01/07/2016
Cùng ngày hôm đó, ông đã chỉ đạo các lực lượng cứu nạn nhanh chóng triển khai các phương tiện, nghiệp vụ để tìm bằng được thượng tá phi công Trần Quang Khải trong vụ máy bay Su-30MK2 gặp nạn khi bay huấn luyện 2 ngày trước đó (14.6). Ông yêu cầu Bộ Quốc phòng phải luôn sẵn sàng lực lượng dành cho công tác cứu nạn, cứu hộ với tinh thần cơ quan quân sự là trung tâm tham mưu của công tác này.
Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tăng cường trao đổi hợp tác với các nước về công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, đẩy mạnh đàm phán vùng TKCN trên biển giữa Việt Nam và các nước theo kế hoạch thực hiện Công ước SAR 79 mà Thủ tướng đã thông qua.
Tuy đánh giá cao kết quả đạt được của Ủy ban Quốc gia TKCN thời gian qua, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, Thủ tướng cũng cho rằng, công tác tìm kiếm, cứu nạn còn có nhiều hạn chế, công tác dự báo, cảnh báo còn nhiều bất cập, chưa chủ động. Chế độ trực, theo dõi, nắm tình hình theo phân cấp ở một số vụ việc còn chưa kịp thời, phối hợp hiệp đồng thiếu chặt chẽ.
Công tác tìm kiếm cứu nạn chiếc Su30MK2 và chiếc máy bay tuần thám biển CASA-212 vốn được cử đi tìm kiếm cứu nạn chiếc Su-30MK2 để rồi chính nó cũng bị rơi và phi hành đoàn 9 người, trong đó có một lữ đoàn trưởng bị mất tích, vẫn kéo dài cho tới hôm nay 28.6.
Trong hai năm gần đây, Việt Nam đã gánh chịu một loạt vụ tai nạn với các máy bay trực thăng cũ kỹ. Thêm hai vụ rơi máy bay thuộc loại hiện đại vừa rồi đã khiến dư luận, đồng thời với sự buồn đau, đã đặt ra những câu hỏi về năng lực, phương tiện cứu hộ cứu nạn của Ủy ban Quốc gia TKCN và các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan.
Cùng với sự đau buồn vì những mất mát về người (bao gồm những sĩ quan không quân cao cấp, nhiều kinh nghiệm) và của do hai vụ rơi máy bay mới nhất, bên cạnh việc thừa nhận những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào, thì ai cũng mong làm thế nào rút kinh nghiệm để không lặp lại, hoặc giảm đến mức thấp nhất, những mất mát, đau thương tương tự.
Phải chăng đã đến lúc cần rà soát tận gốc bộ máy, trang bị, phương tiện cũng như việc tổ chức các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và huấn luyện bay? Trả lời phỏng vấn VOA, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN cũng nói: “Sau các vụ tai nạn bay bao giờ cũng phải kiểm tra, đánh giá và kiểm tra lại chất lượng, để xem là nguyên nhân từ đâu xảy ra. Nếu những nguyên nhân là do chủ quan thì sẽ phải kiểm tra chấn chỉnh, huấn luyện để đảm bảo cho tốt hơn”.
Trong khi đó thì tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy diễn ra ngày 18/6 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phê bình Chủ tịch UBND 21 tỉnh chưa xây dựng và phê duyệt quy hoạch về PCCC trên địa bàn. Ông cho biết, trong thời gian qua, tình hình cháy nổ diễn biến hết sức phức tạp.
Trong 5 năm, cả nước xảy ra gần 12.000 vụ cháy, nổ, làm chết hơn 300 người, bị thương 900 người, thiệt hại về tài sản 6.900 tỉ đồng và gần 8.500 ha rừng. "Đặc biệt, đã xảy ra các vụ cháy ở nhiều khu chung cư, khu công nghiệp, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và người" - Phó thủ tướng nói.
Mọi người chắc vẫn còn nhớ vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), một tòa nhà không cao ở ngay trung tâm Sài Gòn năm 2002 với những thiệt hại khủng khiếp về sinh mạng (60 người chết, 70 người bị thương) và làm bộc lộ sự yếu kém, lạc hậu đến mức thảm hại trong công tác cứu hộ cứu nạn.
Vậy mà đến cuộc họp của Ủy ban TKCN toàn quốc mới vừa rồi, khi các thành phố đã có biết bao ngôi nhà cao tầng chót vót mọc lên, người ta mới được nghe nói sẽ trang bị cho hai thành phố lớn máy bay cứu nạn. Chúng ta đã đổ tiền vào đâu khi những nhu cầu bức thiết để cứu lấy sinh mạng con người lại chưa được quan tâm đầy đủ như vậy?
Đừng đổ tại nghèo. Hãy tìm nguyên nhân ở những công trình phô trương, tốn kém, lãng phí, trong khi lại xem nhẹ việc tổ chức cuộc sống sao cho an toàn, xem nhẹ việc khắc phục cho bằng được những bất cập trong công tác tổ chức cứu hộ cứu nạn.
Đoàn Khắc Xuyên