CNN viết về phố bia Tạ Hiện ở Hà Nội
Du lịch - Ngày đăng : 10:48, 29/11/2018
"Nếu bạn thực sự muốn hiểu văn hóa của một thành phố mới, đặc biệt là văn hóa của người địa phương, bạn phải tản bộ trên vỉa hè, ngồi ghế nhựa và uống một ly bia lạnh", Brett MacDouall, đồng sáng lập của Hanoi Beer Tour, nói với CNN.
Câu chuyện bên cốc bia
MacDouall và đồng sáng lập Tân Vũ gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2005 ở Tạ Hiện. Khi nói chuyện, 2 người phát hiện bố đều tham gia chiến tranh, dù ở 2 phe đối lập.
Ngày nay, MacDouall và Tân Vũ không chỉ là bạn thân mà còn là đối tác kinh doanh, đưa du khách khám phá và chia sẻ những câu chuyện về bia của thành phố.
Lịch sử
Nhà máy bia đầu tiên tại Hà Nội mở cửa vào những năm 1890, thời Pháp thuộc.
"Người Pháp đã mang văn hóa uống bia đến Việt Nam. Trước đó, (mọi người uống) rượu gạo", MacDouall nói. Sau đó, văn hóa bia lan ra nhanh chóng. Ngày nay, Việt Nam là một trong những nước uống bia lớn nhất châu Á, tiêu thụ 3,8 tỷ lít một năm vào năm 2016, theo Bộ Công Thương.
Ban đầu, bia đắt và chỉ người giàu mới đủ tiền uống. Đến cuối những năm 1950, bia hơi ra đời như lựa chọn hợp lý cho người lao động bình thường. Một nhà máy bia mở ra trên đường Tạ Hiện, bán bia tươi với giá chỉ vài xu một cốc.
Đây là một loại bia nhẹ với lượng cồn dưới 3%. Người lao động có thể uống bia để giải khát sau một ngày làm việc vất vả.
Qua nhiều năm, vô số quán bar và nhà hàng mọc lên, mang theo những chiếc ghế và bàn nhựa bầy la liệt 2 bên vỉa hè.
Những loại bia mới
Đến hôm nay, bia hơi vẫn tương đối phải chăng khi so sánh với các thương hiệu quốc tế. Một cốc có giá vài nghìn đồng.
Tuy nhiên, xu hướng đang thay đổi. "Đối với chủ quán, bán bia hơi không đủ tiền để duy trì kinh doanh. Vì vậy, họ thà bán bia chai và tập trung vào đồ ăn", MacDouall nói.
Người thích uống bia có thể dễ dàng tìm đến các nhà máy và quán bar, nơi bán đủ loại pha chế sáng tạo. Quán Furbrew bên Hồ Tây phục vụ bia "phở", bắt chước hương vị của món ăn nổi tiếng.
Theo Minh Thư/NDH