Hành trình theo dấu Cần Vương dọc bờ sông Gianh
Du lịch - Ngày đăng : 08:29, 30/11/2018
Ngôi đền sói bóng dòng sông
Ngày nay, ít ai biết sâu trong làng Thanh Thủy, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) có một di tích lịch sử quốc gia là nhà thờ và khu mộ Đề đốc Lê Trực, một người yêu nước. Lê Trực đỗ tiến sĩ võ, sau đó được cử đi nhiều địa phương làm quan.Năm 1880, triều đình điều cụ về Huế nhận chức mới, nhưng Tổng đốc Hoàng Diệu tiến cử ông ở lại Hà Nội với chức “Đề đốc thành Hà Nội”. Khi Hà Nội thất thủ, ông bị triệu hồi về kinh nghị tội chém đầu, vua Tự Đức nghĩ tình ông cương trực mà cho về quê an trí.
Đền thờ và mộ Đề đốc Lê Trực
Ở quê, Lê Trực nhận chiếu Cần Vương vào năm 1885. Từ đó, ông kêu gọi sĩ phu, thân sĩ trong vùng theo Hàm Nghi chống Pháp.Sau 2 tháng, cụ đã chiêu mộ được hơn 500 lính, rồi phát triển dần lên đến hơn 2.000 binh sĩ. Ông Lê Duy Từ, cháu trực hệ đời thứ tư của Đề đốc Lê Trực đang coi sóc nhà thờ lần giở gia phả kể: “Ông cụ đánh quân Pháp ở Quảng Bình khiến nhiều phen Pháp khiếp vía, điển hình là đêm 9 rạng ngày 10.5.1886, nghĩa quân đột nhập thành Đồng Hới, đốt trại lính Pháp, làm chủ toàn thành, cắt đứt giao thông liên lạc bắc nam gần 2 tháng. Ở vùng bắc Quảng Bình, nghĩa quân của cụ luôn làm cho quân Pháp thất kinh cả đường bộ và đường thủy. Trận lớn nhất là tháng 6.1986, quân Pháp ngược sông Gianh xây đồn bốt, nghĩa quân Lê Trực nghênh chiến, thu hút hơn 200 thuyền Pháp và tay sai, giành thắng lợi lớn. Cụ có địa bàn hoạt động rộng từ thượng nguồn sông Gianh đến hạ nguồn, kết hợp với nhiều nghĩa quân các tướng lĩnh trong vùng khiến quân Pháp và tay sai thiệt hại rất lớn. Nhưng từ cuối năm 1888, khi vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào xuống hắn”, từ đó nghĩa quân của Lê Trực cũng sa sút, cụ cởi giáp về quê. Năm 1918 Lê Trực qua đời.
Từ đó, người dân trong vùng lập đền thờ, mộ của ông được táng cùng hai người vợ trước sân đền. Ông Từ dẫn chúng tôi vào đền, phía sau là núi, phía trước là sông Gianh chảy qua. Hậu thế còn lưu giữ nhiều kỷ vật của Đề đốc Lê Trực như bát hương ông đưa từ Hà Nội về thờ tự gia tiên, khẩu súng ông cướp được ở thành Đồng Hới, đao kiếm của nghĩa quân… Nhìn vào những kỷ vật đó, tuy ít nhưng cũng đủ thấy một thời hào kiệt theo chiếu Cần Vương của ông. Tên của ông hiện được đặt ở Hà Nội và nhiều thành phố khác, ở quê nhà đặt tên ông cho một trường tiểu học và một trường cấp 3 như nhắc nhớ cho học trò luôn ghi nhớ tiền nhân một thuở.
Võ tướng nhiều công trạng của Cần Vương
Xuôi về xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, bên nhánh sông Rào Nan, một nhánh của sông Gianh có mộ của Lãnh binh Mai Lượng dưới bóng thông reo bên chân núi Cấm. Từ bến sông lên mộ là hàng tam cấp được con cháu các đời xây đắp, mộ của vị Lãnh binh theo chiếu Cần Vương này được xếp hạng di tích quốc gia. Người chịu trách nhiệm coi sóc hương khói là cháu trực hệ đới thứ 4 Mai Xuân Quế, một người lính nghỉ hưu.
Di tích quốc gia mộ Lãnh binh Mai Lượng
Lãnh binh Mai Lượng (1838-1890) quê ở làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, giỏi cả võ lẫn văn. Năm 1865, đậu cử nhân võ với chức Hiệp quản. Ở kinh thành, thấy triều đình Huế dâng 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, ông từ quan về quê. Gặp lúc vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, Mai Lượng đã tập hợp lực lượng, tạo thế nghĩa dũng đánh giặc. Căn cứ hoạt động từ thượng Rào Nan qua đến vùng Troóc (Bố Trạch), kiếm soát từ Cao Mại qua Hóa Sơn, Cổ Liêm, Ngọc Lâm, Minh Cầm, Khương Hà và xuống cả đồng bằng hạ lưu Sông Gianh. Ông cho lập xưởng võ khí, gieo trồng lương thực, lập phường hội cho nhân dân cày cấy.Đến nay, các khu vườn trồng chè hay dấu tích lò rèn ở vùng sâu Cao Mại vẫn được người dân đi rừng tìm thấy và lấy chè nấu nước.
Khi vua Hàm Nghi bị bắt, nghĩa quân của Mai Lượng vẫn tiếp tục chiến đấu, để đối phó với bao nhiêu khó khăn của phong trào, Mai Lượng một mặt cho sử dụng lối đánh du kích tiêu hao lực lượng địch,đồng thời cho người ra Hà Tĩnh tìm cách bắt liên lạc với nghĩa quân Phan Đình Phùng để phối hợp kháng chiến. Thế nhưng ngày 24.3.1890, ông qua đời tại căn cứ Cao Mại sau một trận sốt rét. Sau khi Lãnh binh Mai Lượng qua đời, nghĩa quân hoạt động thêm một thời gian nữa thì tan rã.
Ngày nay, nhân dân ở vùng Quảng Sơn, Cao Quảng (Cao Mại ngày xưa) lập miếu thờ ghi nhớ công lao của ông, nhìn thế mộ của ông trồng nhiều rừng thông mới chứng tỏ ông là người thủy chung yêu nước, gian khó không sờn, cùng cực không thoái chí.
Được phong Thành hoàng bổn thổ
Có lẽ đây là vị chỉ huy duy nhất trong phong trào Cần Vương được người dân xưng tụng là Thành hoàng bổn thổ.Tuy ông không có công lập làng nhưng có công lớn chiến đấu để giữ làng và nhiều vùng đất khác dọc sông Gianh.Ấy là Tán tương quân sự Lê Mô Khởi (1836-1895) quê ở làng Cao Lao Hạ, xã hạ Trạch, Bố Trạch, thuở nhỏ có tên là Lê Tuấn.
Ông thông minh dĩnh ngộ, lúc đi thi lấy tên Lê Ngọc Thành, ra làm quan lấy tên Lê Mô Khởi. Là người thanh liêm chính trực, nên Pháp rất ghét.Trong danh sách hàng trăm vị quan vào sổ đen của Pháp có tênLê Mô Khởi bị ép về kinh để phán xử. Sách Nhân vật chí của nhà nghiên cứu Nguyễn Tú chép: “Khi Lê Mô Khởi về Huế đợi lệnh, may có Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thấy ông là người biết lo việc nước, việc dân nên điều ông trở lại Hải Dương lĩnh nhiệm vụ Bố chính. Nhưng đồng thời, ở quê hương, mẹ ông mất, ông phải cáo quan về cử tang mẹ”.Từ đó, ông mở trường dạy học, lo việc làng xóm.
Đình làng Cao Lao Hạ nơi thờ Tán tương quân sự Lê Mô Khởi với xưng tôn Thành hoàng bổn thổ
Trong lúc đó, phong trào Cần Vương nổ ra, ông tích cực tham gia, được vua Hàm Nghi phong là Tán tương quân sự Cần Vương. Ông lấy vùng Trại Nái lập căn cứ, hoạt động rộng lớn khu vực miền tây huyện Bố Trạch, là tâm phúc của các nghĩa quân Lê Trực, Mai Lượng và triều đình kháng chiến. Ông đánh nhiều trận gây tổn thất lớn cho Pháp, càn quét mãi, nghĩa quân Lê Mô Khởi vẫn vững vàng ở căn cứ. Khi vua Hàm Nghi sai ông ra tìm cụ Phan Đình Phùng để đưa vua ra vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh tiếp tục kháng chiến, do đường rừng vạn dặm, nên lúc ông đến thì cụ Phan đi vắng thời gian dài.Khitrở về ngặt lúc vua Hàm Nghi bị bắt. Về lại nơi ấy, chẳng còn gì ngoài đống tro tàn và vũng máu khô. Ông khắc lên cây cổ thụ bên rừng nỗi lòng với nước non: “Ta là Lê Tuấn. Trời sinh ta trong thời loạn, làm tôi một đấng quân vương giang hồ. Ta vứt bút, cầm gươm, nhằm non xanh mà đi vào, thờ vua trong một túp lều con xiêu vẹo. Than ôi! Vận nước còn suy. Cơ trời chưa sáng. Vua tôi đêm nằm ngoài sương ngậm tuyết, kết cục vẫn giam hãm trong vòng thất bại. Ta nguyện đi theo con đường cứu nước của đấng quân vương, dù có chết mòn nơi rừng xanh núi đỏ cũng cam lòng”.
Những tháng ngày còn lại, ông kết tụ với các nghĩa quân ở nam Quảng Bình như Đề Én, Đề Chít, Hoàng Phúc… Lúc 60 tuổi, ông lâm chung, trối lại với cháu con: “Chớ làm điều gì xấu đến truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ”. Trọng ông mà Cao Lao Hạ tôn ông là Thành Hoàng bổn thổ. Lăng của ông nằm trên núi Oằn, lên đó chỉ còn dấu tích lăng cũ giữa rừng thông và sim mua. Mộ của cụ đã được dòng họ đưa về với cháu con họ Lê vùng Cao Lao. Nơi ông được cất táng từ núi Oằn ngó xuống có hồ Vực Sanh, ngó ra có sông Gianh, vùng đất một thời ông từng lập cứ theo vua Hàm Nghi.
Quốc Nam