Chuyện cán bộ say rượu 'yêu' tượng đá và đạo trừ kẻ tiểu nhân
Góc bình luận - Ngày đăng : 17:37, 23/07/2016
Năm Mậu Thân, 1308, có quan thời Trần là Mạc Đĩnh Chi được cử cầm đầu phái bộ sứ giả sang nhà Nguyên, mừng việc Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Có một mẩu chuyện thú vị đã xảy ra trong chuyến đi sứ này của ông, được sách "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi lại như sau:
"Đĩnh Chi thấp bé nên người Nguyên khinh ông. Một hôm, viên tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5 tháng 6. Trong phủ có treo bức trướng mỏng, trên thêu hình con chim sẻ đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ làm như mình nhầm tưởng là chim sẻ thật rồi chạy đến bắt. Người Nguyên thấy vậy cười ồ, cho là người phương xa quê mùa.
Bất thình lình, Mạc Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao, Đĩnh Chi đáp rằng: Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay bức trướng của tể tướng lại có hình chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là biểu tượng của bậc quân tử, chim sẻ là biểu tượng của kẻ tiểu nhân, tể tướng làm như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy, tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân vậy. Mọi người nghe vậy đều phục tài ông".
Năm Bính Thân, 2016, cũng có vị cán bộ là ông Phan Tuấn Anh, đang công tác tại UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), đi du lịch ở Đà Lạt. Sau buổi đến khu vui chơi giải trí nhậu nhẹt, trên đường về, cán bộ Anh thấy có tượng đá thiếu nữ Liang Bang ven đường thì không cầm lòng nổi bèn vội trèo lên kê miệng nhằm vào núi đôi của tượng mà có động tác như thể trẻ lên ba thèm sữa mẹ. Để ghi nhớ khoảnh khắc ‘thiêng liêng’ này, ông Trần Lê - Chánh văn phòng UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) có chụp lại hình cán bộ Anh và đăng lên facebook cá nhân. Tấm ảnh này được chia sẻ rộng rãi trên mạng làm quần chúng nhân dân thắc mắc không hiểu ông Lê share ảnh này với động cơ gì?
Bức ảnh sau đó bị gỡ và cán bộ Anh giải thích rằng do hôm đó quá chén nên có hành động bột phát. Cán bộ Anh thừa nhận việc trèo lên tượng của mình là hành động thiếu văn hóa nhưng không giải thích gì thêm tại sao lại phải có động tác bú ti tạo dáng khi chụp ảnh. Như vậy thì việc thừa nhận, tự phê bình của cán bộ Anh vẫn chưa thực sự thành khẩn và triệt để, chưa thể làm vơi bớt bàn tán trên mạng.
Say không phải cái tội. Ngày xưa Lý Bạch khi say từng nhảy xuống sông ôm trăng và không ngại nói thẳng mình yêu trăng nên khi say thì quên khuấy trăng ở trên trời, mà ngỡ trăng ở dưới nước. Thế nên người đời về sau chỉ biết khen Lý Bạch yêu trăng và thực thà.
Còn chuyện tỉnh rồi mà không thực thà, không đối diện hết với sự thật thì mới là đáng trách. Dư luận lúc này đang đặt vấn đề ở chỗ tại sao cán bộ Anh lại bắt chước động tác trẻ lên ba tìm ti mẹ chứ không băn khoăn việc tại sao ông trèo lên tượng thiếu nữ. Nhưng cán bộ Anh lại lờ đi chuyện nhạy cảm này mà chỉ xin lỗi vì chuyện trèo lên tượng. Vì thế, người ta càng nghi vấn là phải chăng sau khi say rượu, cán bộ Anh thường có thói quen hành động như trẻ lên ba.
Nếu cán bộ Anh mà có được cái trí ứng biến nhanh nhạy như Mạc Đĩnh Chi thì ông cũng chẳng thể biện bạch cho hành động của mình. Còn nếu Mạc Đĩnh Chi sống lại và nhìn tấm ảnh của cán bộ Anh bú tượng đá trên facebook, liệu ông có tìm được lời để gỡ thay. Thời nay, ảnh bọn tiểu nhân thì nhan nhản nhưng ai có thể làm Mạc Đĩnh Chi đây?
Anh Tú