Lợi đâu chưa thấy nhưng 'răng chẳng còn'

Góc bình luận - Ngày đăng : 05:05, 18/07/2016

Vụ Formosa xả thải đã là một thảm họa không chỉ với 4 tỉnh ven biển miền Trung, không chỉ trong thời gian ngắn hạn ở hiện tại. Đó là lời cảnh báo kinh khủng, lâu dài với toàn quốc và toàn dân Việt Nam.

Kiên quyết bảo vệ môi trường, đó chính là nội dung quan trọng của Nghị quyết 59/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2016: “Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường. Chỉ đạo rà soát trên phạm vi cả nước các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có giải pháp kịp thời.”
Vụ Formosa xả thải đã là một thảm họa không chỉ với 4 tỉnh ven biển miền Trung, không chỉ trong thời gian ngắn hạn ở hiện tại. Đó là lời cảnh báo kinh khủng, lâu dài với toàn quốc và toàn dân Việt Nam: Nếu không quyết liệt bảo vệ môi trường, thì con đường sống của các thế hệ hôm nay và mai sau coi như… đứt. Nên nghĩ tới chuyện đó, chứ đừng tặc lưỡi: “Ối giời, thải ra biển ấy mà! Rồi tất cả sẽ loãng đi thôi!” Khốn nỗi, tất cả lại không “loãng đi”, nhất là với những chất thải cực độc và cực nặng như các chất thải của Formosa.
Không phải báo chí “bức cung” Formosa, mà chính Formosa bằng hành động xả thải của mình đã và sẽ “bức tử” không chỉ biển Việt Nam, mà cả người Việt Nam, không chỉ bức tử cá hay các rạn san hô dưới đáy biển, mà tất cả những ngư dân đánh cá và những ai ăn cá như một thực phẩm quen thuộc hàng ngày. Đó mới là điều khủng khiếp khiến chúng ta bừng tỉnh.
Với Quảng Ngãi, thì chuyện tập đoàn Thép Quảng Liên không thực hiện được dự án nhà máy thép ‘tỉ đô” của họ, hóa ra, lại là cái may lớn nhất cho tỉnh nhà. “Ngựa Tái Ông họa phúc biết về đâu” (Huỳnh Thúc Kháng). Đúng là cái “phúc” khi Quảng Liên xây dựng được nhà máy thép thì chẳng thấy đâu, còn cái “họa” thì Formosa đã cho thấy nhãn tiền! Với tất cả các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi, từ tỉnh tới huyện, thì việc quan trọng nhất bây giờ là phải hết sức nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 59/NQ-CP của Chính phủ về bảo vệ môi trường. Đúng như Nghị quyết đã nêu rõ, phải “kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường.”
Thực ra thì “lợi ích kinh tế” với những dự án mang tính phá hoại môi trường là điều khó nhận thấy nhất bây giờ. Ngược lại, đúng như cha ông mình đã nói: Lợi đâu chưa thấy, “nhưng… răng không còn”. Không chỉ “mất răng”, mà còn “mất mạng” như chơi, khi cấp phép cho xây dựng những nhà máy không bảo đảm môi trường, kiểu như nhà máy giấy Lee&Man của Trung Quốc xây dựng bên dòng sông Hậu, mà cái “lợi” đâu chưa thấy nhưng khả năng rõ ràng là sẽ “bức tử” dòng sông lớn này của đồng bằng sông Cửu Long. Còn nhớ, đã có một nhà máy giấy từng “suýt chút nữa” đã được xây dựng bên sông Trà Bồng, “con sông quê hương xanh mát” của nhà thơ Tế Hanh. Nghĩ tới đã rùng mình.
Sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra, Chính phủ đang tỏ ra quyết liệt hơn cùng toàn dân bảo vệ môi trường. Và như thế, lãnh đạo các địa phương phải chung lòng cùng chính phủ, chung tay cùng người dân để môi trường sống của Việt Nam không bị hủy hoại thêm nữa.
Thanh Thảo