Kỳ vọng một chính phủ liêm chính và kiến tạo phát triển...
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:03, 29/07/2016
Tôi nói thực sự cam go là bởi ông phải trực tiếp chỉ đạo những vụ việc lớn, nổi cộm được đặt ra và đòi hỏi câu trả lời cấp tốc, trong đó có cả những việc "động trời" xảy ra trên đất nước ta, như bài học đau xót về phát triển kinh tế nhưng không thể xem nhẹ vấn đề môi trường trong vụ Nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm nặng nề cả một vùng biển miền Trung. Rồi đến gánh nặng về nợ công đã đến mức chạm ngưỡng báo động. Đồng thời là thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề chưa từng có trong thời gian vừa qua ở đồng bằng sông Cửu Long...
Bên cạnh đó là những chuyện chính trị, ngoại giao hóc búa như sự xung đột căng thẳng ngoài biển Đông luôn là chủ đề nóng bỏng và chưa lúc nào yên ả. Thậm chí, có chuyện cứ ngỡ như rất nhỏ nhưng hoá ra rất hệ trọng, đe doạ đến bộ máy công quyền mà nội tình lùm xùm chỉ từ một cán bộ lãnh đạo ở một địa phương bê bối chuyện dùng xe tư gắn biển xanh. Nhưng từ đó bung bét ra một chân dung đáng buồn về nhân cách, phẩm chất, trình độ cán bộ khiến Tổng bí thư đích thân chỉ đạo, buộc nhiều ngành, nhiều bộ phải vào cuộc...
Và người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện vai trò quyết liệt của mình.
Nếu ở lần bỏ phiếu trước, khi Quốc hội khoá 13 bầu ông vào cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đắc cử với số phiếu rất cao là 90,28%, thì lần này ông đã đắc cử với số phiếu còn cao hơn: 98,18%. Đó là một tiền đề tốt nhưng cũng là áp lực lớn.
Đó cũng chính là điểm tựa không gì bằng để tân Thủ tướng và các nhà lãnh đạo vừa được Quốc hội khoá 14 bầu như Chủ tịch Quốc hội, như Chủ tịch nước được tiếp sức để hoàn thành tốt nhất những lời tuyên thệ của mình trước Quốc hội, ra sức hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi tuyên thệ thì hiện tại, đất nước ta "nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài...".
Dư luận có lẽ rất đồng tình với phát biểu của Thủ tướng khi ông chân thành bày tỏ từ tận trong gan ruột của mình những câu chữ thẳng thắn đó. Quả là rất thấm thía! Rất chí lý và rất cảm động khi nghe ông nói: "Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội". Nếu dõi theo các phát biểu của các vị tiền nhiệm ở dăm khoá gần đây, có lẽ riêng những câu chữ này đã mang một tín hiệu mới. Điều đó chứng tỏ người đứng đầu Chính phủ đã cảm nhận sâu sắc về chuyện không thể vô tội vạ, chi tiêu thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng đồng tiền đóng thuế của dân.
Tháng 4 vừa rồi, khi đề cập đến những gì được xem là thông điệp từ Thủ tướng trong một bài báo nhỏ, tôi đã cho rằng, để có thể khắc phục bội chi, giảm nợ công, giảm bớt biên chế cồng kềnh, kém hiệu quả và chắt chiu từng đồng thuế của người dân, chắc chắn Chính phủ khoá mới sẽ phải triệt để tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm, đầu tư và sử dụng căn cơ nguồn lực... Chúng ta phải rất thực tế, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Đã hoạt động kinh tế thì mọi doanh nghiệp cần phải bình đẳng như nhau.
Rồi việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình văn hoá, thể thao, tượng đài, các đại hội, lễ hội... rất tốn kém tiền bạc như lâu nay (ít nhiều đều được báo chí phản ánh) cũng cần tiết giảm một cách kiên quyết. Đây cũng chính là những lỗ hổng cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí hoành hành. Đó chính là cách tiết kiệm những đồng thuế của dân đóng góp cho đất nước như Thủ tướng phát biểu, xem như những việc cần làm ngay.
Quốc Phong