Tội phạm chữ nghĩa và tiếng nói của hội đoàn dân sự
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:54, 29/07/2016
Tôi không đi sâu vào khía cạnh pháp lý, nhưng một điểm trong phát biểu của ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, lại cho thấy rất nhiều vấn đề về chuyện tham vấn, góp ý trong quá trình làm luật hiện nay.
Ông Hoàng nói rằng ông đã ở Hội xuất bản được hai năm, cũng là khoảng thời gian luật được soạn thảo. Nhưng trong khoảng thời gian đó, Hội của ông và những người làm nghề xuất bản không ai được hỏi ý kiến về các quy định này. Chỉ đến khi luật ra rồi, tất cả mới hốt hoảng khi thấy quyền và lợi ích trực tiếp của mình bị đụng chạm.
Nhiều năm theo dõi chuyện làm luật của Quốc hội, tôi hoàn toàn chia sẻ với câu chuyện của ông Hoàng; bởi giai đoạn lấy ý kiến các bên bị tác động bởi luật – một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quy trình xây dựng luật, trước nay vẫn được thực hiện rất kém. Có cả những nguyên nhân do quy trình kỹ thuật, và có cả những nguyên nhân do tính thiếu trách nhiệm của bên soạn thảo; lẫn có trách nhiệm đến từ tính thụ động của chính các nhóm tổ chức xã hội, hội đoàn.
Thứ nhất, xưa nay các bộ ngành soạn thảo thường đưa văn bản dự thảo để góp ý khi nội dung chính sách đã được viết thành quy phạm luật, dưới ngôn ngữ của các điều luật. Phải nói thật, để góp ý được cho văn bản hàng trăm trang, ngôn ngữ thuần túy là chuyên môn pháp lý, các luật sư, các chuyên gia cũng còn toát mồ hôi nói gì đến người dân bình thường.
Thứ hai, ngay cả đối với các chuyên gia, việc theo dõi góp ý cũng không hề dễ dàng, do ban soạn thảo, trong quá trình làm việc phải thường xuyên cập nhật các bản dự thảo, nhưng họ lại hiếm khi thông tin rộng rãi những thay đổi này. Trang dự thảo online của quốc hội và website của bộ ngành, nơi được yêu cầu đăng tải dự thảo luật, thường chỉ đưa lên một, hai bản dự thảo đầu tiên. Còn các dự thảo đã được cập nhật, sửa đổi tiếp theo thì hầu như không được đưa lên web. Thế nên chuyện chuyên gia, luật sự bị việt vị vì góp ý trên bản cũ, rồi bị ban soạn thảo "giễu" là chuyện thường.
Thứ 3, các hội đoàn (như Hội xuất bản chẳng hạn), các tổ chức xã hội dân sự đáng lẽ ra là các tổ chức đóng vai trò đại diện cho quyền lợi các nhóm người dân. Họ hiểu rõ quyền và lợi ích, tình hình thực tế và các vấn đề của hội viên. Họ có nguồn lực kỹ thuật, am hiểu chuyên môn để có thể góp ý trong quá trình làm luật. Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế, vai trò các hội đoàn vẫn bị xem nhẹ, ít khi được các cơ quan soạn thảo cung cấp thông tin hoặc được mời tham gia vào các cuộc họp lấy kiến.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính ngay bản thân các hội đoàn, các tổ chức cũng không vô can trong chuyện này; bởi họ nhiều lúc cũng rất bị động trong câu chuyện tham gia góp ý. Nếu cánh cửa bên phía Nhà nước có đóng, đáng ra, họ cần phải chủ động đến gõ cửa và đòi vào, vì quyền được vào là quyền lợi đã ghi vào luật. Đằng này nhiều tổ chức, thấy bên phía Nhà nước khép cửa, họ cũng lẳng lặng lờ đi trách nhiệm đại diện của mình. Sự thụ động đó cho thấy nhiều hội đoàn, hiệp hội hoạt động vẫn còn dáng dấp của một cơ quan hành chính nhà nước chứ chưa phải là một tổ chức thực sự bắt rễ từ nhu cầu của các nhóm người dân.
Tuy nhiên, điều lạc quan là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã mở ra một cánh cửa quan trọng để các bên tham gia dễ dàng hơn vào quá trình làm luật. Luật mới phân tách giai đoạn xây dựng chính sách thành giai đoạn riêng – tách khỏi giai đoạn làm quy phạm (viết các điều luật dưới ngôn ngữ pháp lý). Nghĩa là các cơ quan soạn thảo phải đưa ra vấn đề chính sách và giải pháp chính sách trước, tham vấn và giải quyết xong việc soạn chính sách, lúc đó mới chuyển sang giai đoạn quy phạm hóa. Về mặt kỹ thuật, đọc, hiểu và góp ý các nội dung chính sách sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với góp ý khi chính sách đã được viết dưới ngôn ngữ quy phạm.
Một cánh cửa nữa, rất cần phải được mở tiếp, đó là Luật về hội - món nợ nhiều năm mà Quốc hội vẫn chưa trả được cho người dân. Một đạo luật thông thoáng và cởi mở về hội cần gấp rút ban hành để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các tổ chức xã hội dân sự.
Tuy nhiên cũng không thể chờ cửa mở hết, các hiệp hội, các tổ chức – những người đại diện cho quyền và lợi ích của các nhóm người dân đừng nên ngồi chờ phía Nhà nước mời mới đến. Chính bản thân họ phải chủ động tìm đến, gõ cửa và đòi vào. Nếu không, cảnh luật ra rồi mới bổ ngửa la làng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Nguyễn Quang Đồng