BHXH tập huấn liên thông phần mềm quản lý chi khám chữa bệnh BHYT
Sự kiện - Ngày đăng : 14:39, 04/12/2018
BHXH Việt Nam ngày 3.12 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành,tập huấn thực hiện liên thông các phần mềm quản lý chi khám chữa bệnh BHYT. Hội nghị nàydo Phó Tổng Giám đốcPhạm Lương Sơn chủ trì.
Tăng cường liên thông phần mềm
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biếttrong tháng 12.2018, mảng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành vẫn còn rất nhiều việc cần phải triển khai, yêu cầu hoàn thành ngay, nhất là triển khai thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam về thực hiện liên thông các phần mềm: Thu và quản lý sổ thẻ (TST), giám định và kế toán tập trung để phục vụ quản lý chi khám chữa bệnh BHYT.
"Đây là những công việc quan trọng, không chỉ phục vụ công việc, nhiệm vụ trước mắt của năm 2018, mà còn mang tính chiến lược, lâu dài. Lãnh đạo BHXH Việt Nam mong muốnviệc liên thông này cần được triển khai nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả nhất để phục vụ việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT toàn ngành ngay trong năm 2018, thông qua hệ thống điện tử", Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh
Theo đó, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầusau hội nghịBHXH ở các tỉnh, thành phố phải có các giải pháp, kế hoạch triển khai ngay Quyết định 2239/QĐ-BHXH đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Trung tâm CNTT của BHXH Việt Nam và Phòng CNTT của BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung giúp đỡ các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng yêu cầu từ nay đến hết năm 2018, BHXH các tỉnh, thành phố cũng cần đặc biệt quan tâm đến những công việc quan trọng khác liên quan đến lĩnh vực BHYT như: Thực hiện thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh; triển khai dự toán chi phí khám chữa bệnh năm 2019 ngay từ đầu năm; thay đổi mô hình giám định BHYT theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam; tổ chức đấu thầu thuốc BHYT... Đồng thời, triển khai thực hiện Thông tư 28 của Bộ Y tế về quản lý điều trị người nhiễm HIV, với nhiều quy định mới về cung cấp thuốc BHYT cho nhóm đối tượng này.
Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 1.12.2018, với nhiều quy trình, nghiệp vụ mới, đòi hỏi BHXH các tỉnh phải cập nhập, hướng dẫn, tập huấn cho tất cả công chức, viên chức. Thông tư 30 của Bộ Y tế về điều kiện thanh toán các thuốc hóa dược, sinh phẩm cho người tham gia BHYT cũng có hiệu lực từ 1.1.2019 và Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị ban hành thông tư mới để thay thế Thông tư 15 quy định giá khám chữa bệnh BHYT- đều có những thay đổi lớn, nên BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực, nghiên cứu để thực hiện tốt…
Tại hội nghị, các chuyên gia, kỹ thuật viên của Trung tâm CNTT và Công ty Tecapro đã hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố quy trình thao tác trên các phần mềm được liên thông theo Quyết định 2239/QĐ-BHXH như: Sử dụng báo cáo 12 nghiệp vụ (Báo cáo 12/BHYT); hướng dẫn sử dụng liên thông hồ sơ thanh toán trực tiếp; hướng dẫn sử dụng chức năng chốt dữ liệu quyết toán; hướng dẫn sử dụng báo cáo chăm sóc sức khỏe ban đầu...
CNTT trong khám chữa bệnh mang nhiều lợi ích thiết thực
Việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích, giảm tải cho cả cơ sở y tế và bệnh nhân.
Chia sẻ về kết quả ứng dụng CNTT trong BHYT, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT của BHXH Việt NamNguyễn Hoàng Phương cho biết để thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH, hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT đã được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Các quy trình được xây dựng trên cơ sở dữ liệu tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT. Bảo đảm chính xác việc thu nộp, tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, đơn vị. Tránh việc cấp trùng thẻ, cấp thẻ không đúng quy định…
Theo đó, từ ngày 1.8.2017, thẻ BHYT không còn ghi thời hạn sử dụng như trước đây, mà chỉ ghi giá trị sử dụng từ thời gian nào. Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số BHXH ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng; thuận lợi của việc sử dụng thẻ BHYT, được đồng bộ với hệ thống dữ liệu hộ gia đình mà BHXH Việt Nam đã xây dựng. Hệ thống sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu tham gia, không cần phải đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây. Sang năm tiếp theo nếu tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH sẽ chỉ cấp nối tiếp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu và in danh sách cấp thẻ gửi đơn vị quản lý đối tượng thông tin về giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT. Thẻ đã cấp cho người tham gia trong năm 2017, 2018 vẫn tiếp tục được sử dụng, mà không in, đổi thẻ mới.
Đồng thời, Cổng thông tin BHXH Việt Nam cũng cung cấp cho người dân tiện ích tra cứu trực tuyến các thông tin về: Mã số BHXH; cơ quan BHXH; quá trình tham gia; giá trị sử dụng thẻ; đơn vị tham gia BHXH; các điểm thu, đại lý thu trên Cổng thông tin điện tử ngành BHXH hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài để được nhân viên tổng đài tra cứu, giải đáp. Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng ký tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp. Hệ thống dữ liệu này sẽ được BHXH Việt Nam tiếp tục cập nhật dữ liệu tham gia của mỗi cá nhân, không cần phải đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Phương, BHXH Việt Nam đang xây dựng việc cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.
Từ tháng 6.2016, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt hệ thống giám định BHYT ban hành kèm theo Quyết định 917/QĐ-BHXH về việc ban hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. Đến nay, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi cả nước đến hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm. Đây là một cải cách lớn trong quy trình khám chữa bệnh BHYT. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, việc cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu điện tử ở thời điểm cuối năm 2017, số cơ sở gửi dữ liệu/số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh là 9.686/12.703 cơ sở, chiếm tỷ lệ 76%; đến ngày 28-5-2018 đã là 12.210/12.528 cơ sở, chiếm tỷ lệ 97,46%.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tin học hóa trong quản lý khám chữa bệnh, thống nhất trong giám định, thanh toán BHYT là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và BHXH, góp phần minh bạch thông tin, bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh sẽ được kiểm tra trực tiếp với cơ sở dữ liệu thẻ do cơ quan BHXH cấp, quản lý, tránh được tình trạng lạm dụng thẻ, thẻ cắt giảm, hết hạn.
Tuyết Nhung