Quốc hội khóa 14 và những thách thức làm luật

Góc bình luận - Ngày đăng : 15:48, 25/07/2016

Quốc hội khóa 13 có lẽ là khóa Quốc hội đầu tiên trong lịch sử lập pháp phải nhiều lần ra nghị quyết để hoãn hay lùi lại thời hạn thi hành các đạo luật đã được thông qua trong nhiệm kỳ của mình.

Công bằng mà nói, đó là những hành động đáng hoan nghênh. Bởi sai thì phải sửa. Phát hiện sai và quyết tâm sửa sai có thể xem là một điểm cộng. Những tiền lệ Quốc hội khóa 13 đặt ra có thể coi là tiền lệ tốt. Tuy nhiên, chuyện sửa luật, hoãn thi hành luật cũng cho thấy những thách thức không nhỏ trong tiến trình lập pháp mà Quốc hội khóa này, khóa 14, mới khai màn sẽ phải đối diện và đương đầu.

Bài toán lập pháp, cũ và mới

Hiến pháp 2013 đã trao trọng trách lập pháp nặng nề cho các đại biểu Quốc hội. Nổi bật nhất là vấn đề vai trò của Quốc hội đối với việc xây dựng khuôn khổ luật pháp nhằm thực thi và bảo vệ quyền công dân. Điều 14 của Hiến pháp 2013 nêu rất rõ, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tuy nhiên, trong thực tiễn hệ thống các văn bản pháp quy hiện nay, rất nhiều trường hợp quyền con người, quyền công dân đã bị giới hạn trong vô số các quy định hành chính ở cấp độ dưới luật – trong các nghị định, thông tư, quyết định hành chính hoặc ngay trong hoạt động hàng ngày của các cơ quan hành chính và đội ngũ công chức.

Đơn cử là Thông tư 01 gây tranh cãi của bộ Công an cho phép cảnh sát giao thông được trưng dụng, huy động tài sản của người dân trong lúc làm nhiệm vụ. Hay như vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin chào, vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do kinh doanh của người dân. Gần đây nhất, hàng ngàn điều kiện kinh doanh và giấy phép con, quy định trong các thông tư, được nâng cấp lên nghị định, trong đó, vẫn còn các quy định hạn chế quyền công dân - điều mà như Hiến pháp khẳng định, chỉ có thể được quy định trong luật, do Quốc hội ban hành.

Để thực hiện điều 14 Hiến pháp, Quốc hội rõ ràng có quyền xem xét và kiểm soát tất cả các văn bản dưới luật nếu các văn bản đó hạn chế một cách không thỏa đáng quyền của người dân.

Đó là còn chưa kể đến những “món nợ” hóc búa ngay đối với bản thân việc làm luật của Quốc hội – món nợ ban hành các luật nhằm thực quyền con người được nêu trong Hiến pháp 2013 mà quan trọng nhất là Luật Biểu tình và Luật về Hội, Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Sự kỳ vọng vào vai trò và trách nhiệm của Quốc hội trong việc làm luật, lẫn việc kiểm soát quy trình ban hành văn bản dưới luật rõ ràng là rất lớn.

Nguyên nhân từ đại biểu, giải pháp cũng từ đại biểu

Với thực tế đó, có thể thấy Quốc hội khóa 14 đang đối mặt với thách thức kép.

Một mặt là Quốc hội phải mở rộng và tăng cường chức năng lập pháp. Quốc hội cần tiến đến hạn chế giao cho cho các cơ quan hành pháp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử như việc hạn chế các bộ ban hành thông tư – việc mà nhiều người cho rằng các bộ đầu tư cho việc làm ra nó nhiều hơn cho việc chuẩn bị dự án luật vì “lợi ích” từ thông tư đối với họ quan trọng hơn.

Nhưng mặt khác, Quốc hội phải đối mặt với vấn đề năng lực lập pháp của đại biểu dân cử.

Trả lời báo chí về những sai sót liên quan đến Bộ luật Hình sự (BLHS) gần đây, ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã kêu gọi ‘đánh thức trách nhiệm’ của các đại biểu. Nhưng trách nhiệm của đại biểu dù có cao đến đâu, cũng sẽ khó có thể bù được cho sự thiếu hụt về năng lực.

Bởi nhìn lại những sai sót, điểm yếu đến từ cả hai góc cạnh quan trọng nhất là kỹ thuật xây dựng quy phạm luật (ví dụ, hàng loạt lỗi kỹ thuật lập pháp trong BLHS, khiến phải xem xét lại BLHS và ba luật khác liên quan) lẫn năng lực làm chính sách (ví dụ việc hoãn thực hiện điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội), khó có thể có sự đột biến trong việc nâng cao năng lực đại biểu trong một thời gian ngắn. Đó là còn chưa nói, Quốc hội mới, với hai phần ba tổng số đại biểu được bầu mới, còn mất nhiều thời gian nữa để học, để làm quen với sinh hoạt nghị trường.

Thách thức với Quốc hội mới, dĩ nhiên là rất lớn. Nhưng trong khi chờ đợi những thay đổi thể chế trong dài hạn, trong ngắn hạn, lời giải phần nào đó cũng nằm ngay ở chính các vị đại biểu. Sức mạnh và quyền lực của đại biểu dân cử xuất phát từ sự ủy nhiệm của cử tri. Một khi thực sự gắn kết và đại diện cho cử tri, hiểu cử tri và có thể nói lên tiếng nói của cử tri, các đại biểu hoàn toàn có thể tìm được sự hậu thuẫn và chỗ dựa từ cử tri và công luận.

Cũng từ đó những khoảng trống về năng lực kỹ thuật hoàn toàn có thể được bù đắp hiệu quả thông qua tận dụng năng lực chuyên môn của các chuyên gia, của các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp và bản thân các thiết chế hỗ trợ được thiết kế dành riêng cho từng đại biểu.

Rốt cuộc, quả bóng cuối cùng vẫn quay về nằm trong chân các đại biểu. Vấn đề là họ sẽ xác định cách chơi nào - đóng vai trò một chính trị gia, một nghị sỹ chuyên nghiệp để đại diện cho cử tri của mình; hay là ‘đại biểu cơ cấu’ xuân thu nhị kỳ lặng lờ đi qua muôn ngàn cuộc hội họp.

Nguyễn Quang Đồng