Tác động của việc ‘đình chiến’ Mỹ - Trung

Quốc tế - Ngày đăng : 16:40, 04/12/2018

Khoảng thời gian hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đàm phán giải quyết bất đồng thương mại có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều bên khác.

Mỹ - Trung, ngày 1.12 vừa đạt được một thỏa thuận “đình chiến” có thời hạn 90 ngày. Trong thời gian này, Washington không tăng thuế áp đặt lên 200 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc, còn Bắc Kinh chấp thuận nhập thêm nhiều hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản. Cả hai cũng nhất trí lập tức khởi động đàm phán về cách thức giải quyết các vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan cùng tội phạm mạng.

Nhiều đối tác thương mại khác đang theo dõi chặt chẽ để xem lợi ích của họ bị ảnh hưởng ra sao bởi thỏa thuận “đình chiến” này.

Việt Nam

Nhằm tránh bị đánh thuế khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu nổ ra vào đầu tháng 7, nhiều công ty cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Công ty TNHH Hằng Sinh (thành phố Hồ Chí Minh) trong khoảng thời gian cuối tháng 8 - đầu tháng 9 đã nhận được 130 yêu cầu tư vấn về chuyện này.

Hằng Sinh chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư cùng nhiều dịch vụ liên quan. Tổng giám đốc Trương Điện Sinh của công ty này nhận định thỏa thuận “đình chiến” chỉ làm chậm chứ không thể khiến làn sóng rời Trung Quốc đến Việt Nam sản xuất dừng lại.

Cũng theo Tổng giám đốc Trương, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ còn tiếp tục làm vậy trong dài hạn vì chi phí lao động ngày càng cao, cùng nhiều quy định môi trương nghiêm ngặt hơn tại quê nhà.

Doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam - Ảnh: The Wall Street Journal

Nhật Bản

Nhật Bản có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo sau Trung Quốc. Khi gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe hôm 30.11, Tổng thống Donald Trump đánh giá thâm hụt thương mại của Mỹ với đồng minh Đông Bắc Á quá lớn và mong muốn nhanh chóng cân bằng lại.

Chính quyền Trump dự kiến đề nghị Tokyo mở cửa thị trường ô tô hơn nữa, đồng thời thúc đẩy các nhà sản suất ô tô nước này mở rộng hoạt động tại Mỹ. Phía Nhật không áp thuế với ô tô ngoại nhập, tuy vậy có kế hoạch hạ thấp quy định an toàn lẫn môi trường với sản phẩm xuất xứ Mỹ.

Mỹ cũng có thâm hụt thương mại rất lớn với Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Brazil và Argentina

Dù năm ngoái mua đến 32,9 triệu tấn đậu tương Mỹ nhưng Trung Quốc lại chính tay áp mức thuế 25% với mặt hàng này khi cả hai “giao chiến” thương mại, khiến bản thân họ phải tìm đến nguồn cung khác.

Trongtháng 10 và 11, Trung Quốc nhập 12-14 tấn đậu tương từ Brazil, một con số kỷ lục. Do cường quốc châu Á giảm tiêu thụ, Argentina trở thành quốc gia mua nhập khẩu đậu tương số 1 của Mỹ.

Với cam kết nhập thêm nhiều hàng hóa Mỹ, nhu cầu mua đậu tương từ nguồn khác của Bắc Kinh sẽ giảm.

Châu Âu

Châu Âu cũng đang cố gắng buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và ngừng hành vi ép buộc chuyển giao công nghệ. Khi cường quốc châu Á thực hiện đúng những gì đã hứa với Mỹ, doanh nghiệp đến từ lục địa già sẽ có thể dễ dàng tiếp cận thị trường cũng như được hưởng một môi trường kinh doanh thoải mái hơn.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Cẩm Bình