Phá rừng và sự thật

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:36, 06/08/2016

Thực hiện phóng sự về rừng, cũng như mọi bài báo phản ánh tình trạng phá rừng, đó là sự cần thiết, là nhiệm vụ mà cuộc sống giao cho các cơ quan báo chí truyền thông. Để làm tốt, nguyên tắc đầu tiên là phải khách quan, chân thực. Và với chính quyền, cần nhìn thẳng vào sự thực để trả lời có hay không chuyện phá rừng?
Lối đi trong cơ ngơi của một cựu chủ tịch huyện ở Đắk Lắk (Nguồn ảnh: FB Lê Đức Dục)

Đang có chuyện cãi qua cãi lại giữa đài truyền hình trung ương VTV và chính quyền tỉnh Đắk Lắk xung quanh thiên phóng sự phá rừng do VTV - Chương trình Chuyển động 24h thực hiện. Tỉnh thì bảo VTV cố tình dàn dựng, cố tình tạo cảnh phá rừng để làm phóng sự, phản ánh không chân thực; đài thì lên tiếng vặn lại, thế có phá rừng hay không mà bảo chúng tôi dàn dựng. Hôm 4.8, cả tỉnh lẫn đài vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Thiên hạ cho rằng "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay", chả ai chịu ai.

Nếu có chuyện dàn dựng, phải nói rằng quá sốc, diễn đạt theo kiểu của nhà thơ Giang Nam (kể ra so sánh hơi khập khiễng): Không tin được dù đó là sự thực. Chuyện sai sót, yếu kém, gây những bất bình xảy ra trong làng báo xưa nay đã nhiều, thậm chí như "chuyện ngày thường ở huyện”, nhưng một cơ quan siêu báo chí như Đài truyền hình Việt Nam - VTV mà mắc phải thì hệ trọng lắm.

Sốc quá đi chứ. Rất nhiều báo giấy và báo điện tử ngày 2.8 đồng loạt thông tin “Công an tỉnh Đắk Lắk họp báo công bố VTV dàn dựng cảnh phá rừng để làm phóng sự”. Sự này khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó liên quan đến những điều hệ trọng: phá rừng, công an, VTV, đạo đức nghề nghiệp.

Trước hết hãy nói về tình trạng phá rừng. Nước ta rừng vàng biển bạc nhưng “vàng” bị khai thác vô tội vạ quá nhiều, may mà chưa đến mức cạn kiệt, rừng chưa thành đất trống đồi trọc. Tình trạng phá từng diễn ra suốt mấy chục năm nay, đến nỗi bị coi như quốc nạn. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Không ai là không xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá hết năm này qua năm khác, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lá phổi xanh của đất nước teo tóp dần, tiền bán tài nguyên rừng bị chui vào túi những tập đoàn, cá nhân này nọ. Giờ thì bảo vệ rừng đã trở thành mệnh lệnh sống còn. Nếu cứ để tái diễn những vụ phá rừng thì chẳng khác gì cả hệ thống chính trị lẫn bộ máy công quyền bị vô hiệu hóa trước một tệ nạn tầm quốc gia. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay khi vừa nhậm chức đã ban chỉ thị đầu tiên là đóng cửa rừng. Vì thế, cũng dễ hiểu sự vào cuộc của VTV, bởi cũng như mọi cơ quan báo chí, họ không thể đứng ngoài.

Sử dụng sức mạnh truyền thông để bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, tố cáo những hành vi phá rừng, có lẽ những nhà lãnh đạo cũng như phóng viên VTV đã hướng tới mục đích ấy. Chắc nhiều người vẫn nhớ, thủ trưởng VTV bây giờ từng nổi danh với những phóng sự chân thực, khách quan về vụ phá rừng nghiêm trọng ở Tánh Linh (Bình Thuận) hồi thập niên 1980 – 1990. Ông đã truyền tinh thần ấy cho những lớp sau, chỉ có điều họ không làm được như ông đã làm ngày nào.

Thực hiện phóng sự về rừng, phản ánh tình trạng phá rừng, đó là sự cần thiết, là nhiệm vụ mà cuộc sống giao cho các cơ quan báo chí truyền thông. Để làm tốt, nguyên tắc đầu tiên là phải khách quan, chân thực. Ai cũng biết nghề báo đặt sự khách quan trung thực lên hàng đầu. Không chấp nhận sự giả dối, tô vẽ, bôi đen, hay tô hồng. Nếu đúng như cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk công bố, tức là có sự dàn dựng, cố ý tạo dựng cảnh phá rừng để “tố cáo nạn phá rừng” thì các nhà báo của VTV đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Làm phóng sự về phá rừng với “động cơ” tốt, nhưng dàn dựng, tạo cảnh không có trong thực tế thì quá tệ hại. Chưa làm được điều tốt đã vướng ngay điều xấu, dù biện minh mấy đi chăng nữa cũng không thể xóa được vết bẩn tự bôi lên hình ảnh của mình. Tôi dù vẫn cứ muốn tin rằng không có chuyện dàn dựng ấy, muốn đồng tình với những người làm phóng sự bởi tôi cũng rất bất bình chuyện phá rừng nhưng chợt nhớ lại các vụ “Cây chổi quét rau”, “Điều ước thứ 7”… gần đây mà VTV từng vướng phải thì ý định đó không lấy gì làm chắc chắn lắm. Lúc này, trước sự cáo buộc của cơ quan chức năng, VTV chỉ còn cách chứng minh nhà báo của mình có làm điều đó (dàn dựng vụ phá rừng) hay không một cách trung thực. Sai thì chịu trách nhiệm trước công luận, trước những người đóng thuế nuôi VTV. Không sai (tức không dàn dựng) thì đề nghị các cấp có thẩm quyền lên tiếng bảo vệ hình ảnh và động cơ chính đáng của mình.

Nói đi cũng phải nói lại. Mấy chục năm nay, rừng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk, bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều vụ lâm tặc ngang nhiên chặt cây, đốn gỗ, vận chuyển trước mắt những cơ quan công quyền, chức năng, thực thi công vụ. Không ít cán bộ chính quyền, kiểm lâm, công an, biên phòng, hải quan… dính với lâm tặc, góp công… phá rừng. Rừng Đắk Lắk thực tế có bị phá hay không, cần được những người có trách nhiệm ở tỉnh này xác nhận. Người dân yêu cầu vậy thôi chứ hầu như ai cũng biết chả phải riêng ở Đắk Lắk, rừng trên cả nước này đã và đang bị đủ loại lâm tặc hủy hoại. Nếu đúng có chuyện nhà đài VTV dàn dựng (như Công an tỉnh đã điều tra và công bố tại văn bản số 565/CAT-PC 46 ngày 27.7.2016), cố ý bêu xấu, làm giảm uy tín của chính quyền địa phương, thì pháp luật phải xử lý. Không thể để một cơ quan truyền thông quốc gia tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm.

Nhưng giả dụ có sự dàn dựng chăng nữa, thì cũng không có nghĩa rừng Đắk Lắk vẫn yên bình. Nhà báo Lê Đức Dục rất có lý khi đặt câu hỏi và giải nghĩa "Nhưng lâm tặc là ai? Bao nhiêu bài báo, thước phim nói về nạn phá rừng, lên án lâm tặc giết rừng không thua gì… Taliban hay IS giết người, nhưng hỡi ôi, cứ coi túp lều lâm tặc đang ở, cái giường vợ lâm tặc đang nằm, cái bàn con lâm tặc ngồi học, cái bát lâm tặc đang ăn, tấm chăn lâm tặc đang đắp… thì biết lâm tặc thực sự là ai". Lâm tặc siêu nhất không cần phải là những anh vác rìu, ôm máy cưa vào rừng mà gỗ quý vẫn chảy về nhà họ biến thành dinh cơ, biệt thự. Chả có quan chức Tây Nguyên, Việt Bắc, Tây Bắc, miền Trung (những nơi sẵn rừng) nào tự nhận mình tham gia phá rừng, còn đống tài sản sập giường bàn tủ cột nhà... như núi kia họ đều có thể chứng minh hợp pháp cả. Nhưng chẳng phải tự dưng dư luận lại tỏ ý nghi ngờ về những cơ ngơi tòa ngang dãy dọc tinh gỗ đại thụ quý hiếm, những tài sản gỗ hàng trăm tỉ của những vị công bộc xứ này. Gỗ phá rừng liệu có chạy về đây? Nhà chức việc ở Đắk Lắk hãy cắt nghĩa xem nào.

Nguyễn Thông