Phẩm chất của nhà vô địch
Góc bình luận - Ngày đăng : 10:19, 11/08/2016
Riêng có một bài báo với cách đặt tít hơi khác lại gây được sự chú ý trong cả biển ca từ tán tụng. Đó là cái tít của báo Daily Mail (Anh) rất giản dị mà nổi bật: “Vinh khiêm tốn đã tạo lịch sử cho Việt Nam”. Cái tít này sau đó được nhiều báo khác lấy lại, gồm cả báo của Việt Nam xuất bản bằng Anh ngữ. Khó kiếm được cái nào ngắn gọn hơn mà lại nêu được phẩm chất của nhà vô địch giữa một chiến công lịch sử: khiêm tốn.
Để nói về phẩm chất của nhà vô địch thì người Việt chúng ta đã có thành ngữ ngắn gọn và đơn giản: Thắng không kiêu, bại không nản. Rạng sáng 7.8 theo giờ Việt Nam, anh Vinh đã cho cả thế giới thấy thế nào là thắng không kiêu. Sau khi giành HCV lịch sử, Vinh vẫn tỏ ra rất bình thường như khi thực hiện xong một bài tập. Anh không hề có những cử chỉ ăn mừng thái quá mà chúng ta thường thấy trong thể thao. Cách biểu lộ niềm vui vừa phải là cách để tôn trọng người về sau (nhì, ba...). Dù họ thua nhà vô địch nhưng trong những môn như bắn súng thì thành tích thắng bại chỉ cách nhau gang tấc và có cả sự hậu thuẫn của thần may mắn.
Tính khiêm tốn của Hoàng Xuân Vinh được thể hiện rõ hơn, theo đúng bản chất của anh trong những bài trả lời phỏng vấn sau đó. Anh không dùng những từ đao to búa lớn để tìm cách kể công cho mình mà chỉ coi đó như công việc. Chỉ có điều, là sau khi đoạt HCV thì Vinh vẫn nói theo khuôn sáo kiểu nhờ giúp đỡ của ban này ngành nọ để có được thành tích như hôm nay. Báo chí nước ngoài không khai thác đoạn cảm ơn mà Vinh dành cho ban bộ ngành.
Với các VĐV nước ngoài, khi thành công thì họ chỉ gửi lời cảm ơn gia đình, người thân và CĐV vì sự giúp đỡ nhiệt tình, không điều kiện trên đường chinh phục vinh quang. Còn người của các bộ ban ngành thì đã ăn lương để làm nhiệm vụ lựa chọn và đào tạo người xuất sắc nhất đi thi đấu. Mà đã là công việc, là nhiệm vụ, không chút tư tình gì, thì không nhất thiết phải cảm ơn.
Sau chuyện thắng không kiêu, xạ thủ Vinh đã cho chúng ta thấy tinh thần bại không nản qua loạt bắn súng ngắn ở cự ly 50 mét đêm qua 10.8. Vinh khởi đầu không tốt và suýt bị loại trước vòng chung kết. Nhờ tinh thần bại không nản nên anh vẫn tập trung ở 2 phát cuối vòng loại để giành điểm tuyệt đối và may mắn đi tiếp.
Nhưng tinh thần bại không nản mà chúng tôi muốn nhắc đến là lúc Vinh nhận Huy chương bạc. Nhiều người Việt tiếc hùi hụi khi thấy Vinh bắn hỏng 2 phát cuối nên “cầm vàng mà để vàng rơi” vào tay VĐV người Hàn Quốc. Còn Vinh thì vẫn coi như không, điềm đạm bắt tay VĐV Hàn Quốc, không thể hiện bất kỳ sự cay cú nào. Cách hành xử như vậy sẽ khiến người Hàn Quốc khâm phục dù Vinh có "để rơi vàng".
Trong thể thao, HLV Alex Ferguson từng nói câu nổi tiếng: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Suy rộng ra thì có thể hiểu trong thể thao và cả cuộc sống, thành bại là nhất thời còn phẩm chất là mãi mãi. Hãy nhìn vào những gì mà thể thao CHDC Đức từng làm để thấm thía điều này.
Tại Olympic 1976 và 1988, nước Đông Đức nhỏ bé lại xếp thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương, hơn cả đoàn Mỹ, chỉ sau Liên Xô (năm 1980 Mỹ tẩy chay không dự Olympic tại Nga và năm 1984, Đông Đức tẩy chay không dự Olympic tại Mỹ). Nhưng vinh quang đó không ai nhớ, không ai trân trọng vì sau khi bức tường Berlin sụp đổ thì người ta phát hiện ra rằng các VĐV Đông Đức sử dụng doping có hệ thống để đạt thành tích bằng mọi giá. Và chủ trương này lại do các bộ ban ngành Đông Đức khi ấy áp đặt.
Anh Tú