Mối liên hệ giữa thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh và bệnh tâm thần phân liệt

Thông tin Y học - Ngày đăng : 23:08, 07/12/2018

Theo tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học ở Đại học Queensland, Úc với sự hợp tác của các nhà khoa học ở Đại học Aarhus (Đan Mạch), đã khám phá được mối liên quan giữa tình trạng thiếu hụt vitamin D khi ra đời và sự phát triển của bệnh tâm thần phân liệt.

Ở hầu hết bệnh nhân tâm thần phân liệt đều không có dấu hiệu rối loạn tâm thần cho đến khi 15 tuổi, mặc dù các nhà thần kinh học trước đó đã gợi ý rằng quá trình này có thể bắt đầu khi còn trong bụng mẹ. Bây giờ có nhiều bằng chứng hơn để hỗ trợ ý tưởng này, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thực sự khám phá ra cơ chế chính xác.

Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt từ lâu vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học, nhưng một nghiên cứu mới đã xác nhận mối liên hệ giữa tình trạng thiếu hụt vitamin D khi mới sinh và sự phát triển của bệnh tâm thần phân liệt ở tuổi trưởng thành. Có bằng chứng khá rõ ràng rằng quá trình này có liên quan đến các gien và trong một số trường hợp có một số yếu tố quan trọng quyết định bệnh.

Chúng ta đều biết rằng vitamin D rất quan trọng cho sự hấp thu canxi trong xương và sự thiếu hụt của nó có thể dẫn đến những rối loạn như loãng xương và còi xương, nhưng khoa học vẫn chưa biết đầy đủ các chức năng của vitamin D trong cơ thể.

Các nhà khoa học Úc và Đan Mạch đã sàng lọc dữ liệu của 2.602 người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến năm 2001, đó là những người được chẩn đoán là bị tâm thần phân liệt. Đồng thời, họ cũng kiểm tra nồng độ vitamin D trong các mẫu máu lấy từ những người này trong thời thơ ấu.

Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ Cơ quan đăng ký quốc gia Đan Mạch và cơ sở dữ liệu thông tin y học ẩn danh, được sử dụng để nghiên cứu các xu hướng và thống kê sức khỏe. Hóa ra, 44 % trẻ bị thiếu hụt vitamin D khi mới sinh có nguy cơ phát triển tâm thần phân liệt ở tuổi trưởng thành.

Sau đó họ so sánh kết quả với các chỉ số chuẩn về độ tuổi và giới tính của những người không bị tâm thần phân liệt. Kết quả phân tích cho thấy sự chênh lệch về nồng độ vitamin D có thể gây ra 8% trường hợp tâm thần phân liệt. Nhà thần kinh học McGrath cho rằng, tâm thần phân liệt là bệnh khá nghiêm trọng cần có biện pháp ngăn chặn sớm, đặc biệt là khi có thể can thiệp bằng các biện pháp an toàn và rẻ tiền.

Bước tiếp theo mà các nhà khoa học dự định là tiến hành các thử nghiệm lâm sàng bổ sung vitamin D vào chế độ ăn của phụ nữ mang thai để nghiên cứu ảnh hưởng của vitamin D đối với sự phát triển của não trẻ và nguy cơ phát triển chứng tự kỷ cũng như tâm thần phân liệt.

Vũ Trung Hương

Vũ Trung Hương