Những giọt nước mắt 'cha chung không ai khóc'
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:49, 27/08/2016
Một trong những chủ đề được báo chí và truyền thông đề cập đến khá nhiều trong thời gian vừa qua, là tình trạng lợi ích nhóm đang ngày càng có dấu hiệu xuất hiện và lộng hành trên nhiều lĩnh vực, từ các dự án cho đến các thông tư, gây ra những thiệt hại không hề nhỏ cho nền kinh tế đất nước.
Có lợi ích thì đương nhiên phải bảo vệ, đó là nguyên tắc cơ bản, kể cả là với lợi ích nhóm. Nhưng, cũng có những lợi ích rõ rành rành nhưng lại chẳng được ai đoái hoài, đó là những lợi ích ở trong tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Đề cập đến một trong những nguyên nhân gây ra sự kiện ô nhiễm môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam tại khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thủ tướng đã nhắc đến tình trạng môi trường cha chung không ai khóc. Chỉ có điều, tình trạng ấy không chỉ diễn ra trong lĩnh vực môi trường; và cũng không có cái chết nào lại không xuất hiện những giọt nước mắt.
Không quá khó để có thể kể ra một vài trường hợp điển hình nhất cho tình trạng “cha chung không ai khóc” trong cách điều hành các lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước, và cũng không khó để có thể hình dung ra được những hậu quả lớn mà sự thờ ơ với quyền lợi đất nước và sự chối bỏ trách nhiệm đem lại.
Sự việc gần nhất có thể kể đến là trường hợp gói cứu trợ trị giá 2.000 tỉ đồng khắc phục những hậu quả do hạn mặn gây ra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đầu năm nay, đã hàng tháng trời trôi qua kể từ khi hạn mặn tàn phá các tỉnh khu vực này nhưng nó vẫn chưa được giải ngân dù chỉ là một xu.
Và chỉ đến khi có cuộc làm việc đầu tiên của Tổ công tác của thủ tướng chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hôm 25.8 vừa qua, thì câu chuyện mới bắt đầu được đề cập và những người trong cuộc mới bắt đầu cảm thấy có trách nhiệm giải trình cho sự việc khó hiểu đó.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân của tình trạng này là do sự không thống nhất được quan điểm giữa Bộ KH&ĐT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Cụ thể là, trong khi Bộ KH&ĐT muốn phân bổ đều trong đó mỗi tỉnh được khoảng 80 tỉ đồng để cứu trợ và giải quyết ngay những việc cấp bách do hạn mặn gây ra, thì Bộ NN&PTNT lại muốn đưa một số dự án dang dở của ngành vào để có thêm nguồn vốn thực hiện.
Vậy là 2.000 tỉ đồng tiền cứu trợ cứ treo đó, trong khi hàng triệu người nông dân, hàng trăm ngàn hecta đất nông nghiệp đang cần sự hỗ trợ khẩn cấp ngay lập tức để hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Nếu 2.000 tỉ đồng được giải ngân ngay lập tức, có lẽ nó đã có thể giảm thiểu được nhiều thiệt hại; nhưng người nông dân và đất đai cứ dần cạn kiệt và khô héo đã phải hoài công đỏ mắt trông chờ một cách vô vọng, và thiệt hại thì ngày càng nặng nề, chỉ vì sự bất đồng một cách thờ ơ và vô cảm đến cùng cực của những người có trách nhiệm.
Những người đó, sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước những thiệt hại về kinh tế và đau khổ của người dân, chỉ vì những ý muốn của cá nhân họ đã không được thi hành như họ yêu cầu. Đứng trước tình trạng “cha chung không ai khóc”, chưa bao giờ lợi ích quốc gia và cuộc sống của người dân lại rẻ rúng đến thế.
Một câu chuyện khác cũng không kém phần nghiêm trọng và cấp thiết, nhưng cũng đang rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, là câu chuyện thực phẩm bẩn. Trong cuộc họp tại Diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp-người tiêu dùng: Đón sóng thực phẩm sạch” hôm 23.8 vừa qua, những con số thống kê về hậu quả do thực phẩm bẩn gây ra trong xã hội Việt Nam đang khiến tất cả phải bàng hoàng.
Theo BS. Hoàng Đình Chân, Giám đốc bệnh viên ung bướu Hưng Việt, thì tỷ lệ người mắc bệnh ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn tại Việt Nam đang chiếm khoảng 35%. Điều này có nghĩa là, 1/3 nguyên nhân gây ra ung thư tại Việt Nam có thể được loại bỏ nếu như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo.
Nhưng, các cơ quan chức năng đã từ chối thực hiện một điều không những có lợi ích to lớn cho xã hội và đất nước, mà còn là nhiệm vụ chính họ phải đảm nhiệm. Khi các chuyên gia đưa ra đề xuất Việt Nam học theo mô hình quản lý chất lượng thực phẩm của các nước châu Âu như Bỉ, trong đó trao toàn quyền giám sát và kiểm tra chất lượng thực phẩm cho một cơ quan duy nhất vốn đã được thực tế chứng minh là rất hiệu quả, thay vì để nhiều Bộ cùng quản lý như ở Việt Nam hiện nay, thì không ít Bộ đã công khai từ chối thực hiện kế hoạch đó.
Cụ thể, vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện nay do ba cơ quan là Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT cùng quản lý, và khá nhiều ý kiến đã cho rằng sự chồng chéo này đã dẫn đến việc buông lỏng quản lý và gây ra tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trong xã hội như hiện nay.
Không ít các chuyên gia quốc tế đã đưa ra lời khuyên Việt Nam nên chuyển quyền giám sát và kiểm tra chất lượng thực phẩm cho một cơ quan duy nhất, như Bộ NN&PTNT, nếu như muốn giải quyết dứt điểm tình trạng thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã từ chối, với lý do là sự phân công cùng quản lý giữa ba Bộ là Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT như hiện nay là phù hợp – một lý do tương đối khó hiểu, khi mà chính sự quản lý chồng chéo theo kiểu “cha chung không ai khóc” giữa ba Bộ đang được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay.
Tất cả những thực trạng này đều xuất phát từ một nghịch lý khó hiểu trong các điều hành nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua, đó là mọi công việc dù là nhỏ nhất luôn phải có sự phối hợp của rất nhiều Bộ, trong khi giữa các Bộ này lại có rất ít những mối liên hệ trong công việc với tình trạng tự cô lập đang ngày càng trở nên phổ biến.
Chốt lại, chỉ có lợi ích quốc gia và cuộc sống của người dân trong xã hội là phải chịu thiệt thòi. Lợi ích quốc gia, kể cả mạng sống của người dân, đang có vẻ như ngày càng dần trở thành những thứ không có mấy ý nghĩa trước sự cãi vã, thờ ơ và vô cảm.
Đúng là cha chung thì không ai khóc, nhưng không có nghĩa là không xuất hiện những giọt nước mắt, ít nhất đó là nước mắt của những người nông dân phải nhìn đồng ruộng của mình khát cháy mà không nhận được một xu hỗ trợ, và những giọt nước mắt của những bệnh nhân ung thư vì thực phẩm bẩn lan tràn trong khi các cơ quan chức năng thì thoái thác trách nhiệm.
Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)